Sự phân kỳ chính sách tiền tệ giữa phương Tây và phương Đông sẽ sớm thu hẹp

05:30' - 22/02/2022
BNEWS Trong những tháng qua, thế giới chứng kiến sự phân kỳ ngày càng gia tăng trong chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương lớn ở phương Tây và các ngân hàng ở châu Á.
 Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn dịch vụ tài chính Natixis và thành viên nghiên cứu cấp cao thuộc tổ chức tư vấn Bruegel Alicia Garcia Herrero nhận định những tháng vừa qua được đặc trưng bởi sự phân kỳ ngày càng gia tăng trong chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương lớn ở phương Tây và các ngân hàng ở châu Á. Tuy nhiên, sự phân kỳ này có thể sẽ sớm được thu hẹp lại trong thời gian tới. 

Do lạm phát cao hơn dự kiến, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến đột ngột chuyển hướng sang tăng lãi suất ngay từ tháng Ba. Ngân hàng trung ương Anh cũng có động thái tương tự. Tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đạt được sự đồng thuận về lạm phát sẽ tăng vào năm 2022. 

Sự thắt chặt tiền tệ nhanh chóng này trái ngược với lập trường ngày càng dễ chịu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) và cam kết cứng rắn của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đối với chương trình nới lỏng định lượng nhằm hỗ trợ thị trường và giới hạn lợi suất thông qua việc mua trái phiếu. 

Cả hai ngân hàng trung ương lớn của châu Á đều có lý do chính đáng để tiếp tục chính sách này. Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc nhanh và lạm phát dường như đang được kiểm soát, ít nhất là về mặt giá tiêu dùng. 

Tại Nhật Bản, lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của BoJ, điều này biện minh cho việc BoJ tiếp tục lập trường chính sách tiền tệ lỏng lẻo như vậy. Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. 

Đầu tiên, giọng điệu quyết liệt hơn của Fed, phản ánh việc thể chế này đột ngột nhận ra mối đe dọa lạm phát lớn hơn, đã khiến thị trường trái phiếu bị bán tháo và gia tăng nhanh chóng khoảng cách giữa lãi suất ngắn hạn và dài hạn. 

Điều này không chỉ làm gia tăng áp lực đối với lợi suất trái phiếu kho bạc châu Âu mà còn cả trái phiếu Chính phủ Nhật Bản. BoJ vừa qua đã phải can thiệp để đảm bảo lợi tức của trái phiếu chuẩn kỳ hạn 10 năm vẫn nằm trong giới hạn 0,25%. Đối với Trung Quốc, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm của nước này và của Mỹ đã tiếp tục được thu hẹp từ khoảng 3 điểm phần trăm xuống còn 0,5 điểm phần trăm như hiện nay. 

Sự chênh lệch lợi suất hẹp như vậy không phải là dấu hiệu tốt cho việc Trung Quốc tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư vào - ít nhất là thu nhập không cố định, chiếm đến 60% khoản đầu tư như vậy vào năm 2021. 

Với việc đồng nhân dân tệ mạnh và thặng dư thương mại của Trung Quốc ở mức lớn, người ta có thể lập luận rằng việc đảo ngược dòng vốn đầu tư vẫn mạnh mẽ không thể làm tổn hại nhiều đến quốc gia này. Trên thực tế, việc đồng nhân dân tệ suy yếu nếu dòng tiền chảy vào chậm lại có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu do thặng dư thương mại dự kiến thu hẹp vào năm 2022, khi nền kinh tế toàn cầu giảm tốc. 

Tuy nhiên, vẫn có những lo lắng ở Trung Quốc, như đã được tiết lộ trong một bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng trước: “Nếu các nền kinh tế lớn hãm đà hoặc quay đầu trong chính sách tiền tệ của mình, thì sẽ có những tác động tiêu cực nghiêm trọng”. 

Nói cách khác, không có thị trường tài chính nào - kể cả Trung Quốc - có thể cách ly hoàn toàn khỏi sự thắt chặt nhanh chóng của Fed. Thật vậy, vai trò đồng tiền dự trữ của đồng USD là chìa khóa để hiểu được “thắt chặt định lượng” của Fed có thể ảnh hưởng đến Trung Quốc như thế nào. 

Do Trung Quốc là một chủ nợ ròng về tổng thể, với nhiều tài sản hơn là nợ phải trả bằng đồng USD, việc đồng USD mạnh hơn và lãi suất cao hơn sẽ càng tạo ra sự giàu có mang tính tích cực cho quốc gia này. 

Tuy nhiên, điều này không đúng với các tập đoàn. Các công ty lớn có khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài đang mắc nợ rất nhiều bằng đồng USD, có nghĩa là chi phí tài trợ của họ sẽ tăng sau khi Fed thắt chặt và hơn thế nữa nếu đồng USD tăng giá theo. 

Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc đã tăng cường cho vay ở một lượng lớn đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, hầu hết là bằng đồng USD. Tác động của đại dịch COVID-19 đang làm nổi bật tính không bền vững của nhiều khoản nợ của các quốc gia này và nhu cầu tái cấu trúc chúng. Những xu hướng như vậy rõ ràng không phải là tin tốt đối với kinh tế Trung Quốc, vốn đang trải qua sự giảm tốc theo chu kỳ nhưng cũng mang tính cấu trúc. 

Đối với Nhật Bản, biện pháp bảo vệ cứng rắn của BoJ về chiến lược kiểm soát lợi suất của cơ quan này sẽ chỉ làm suy yếu thêm đồng yen. Điều đó có thể tạo ra sự tích cực cho khả năng cạnh tranh bên ngoài và thậm chí có thể giúp thúc đẩy lạm phát đã suy giảm từ lâu. Tuy nhiên, sẽ có một tác dụng phụ quan trọng, đó là sức mua của các hộ gia đình Nhật Bản sẽ giảm và tiền lương sẽ khó bắt kịp. 

Nhìn chung, sự phân kỳ chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương lớn sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức. 

Các ngân hàng trung ương châu Á sẽ phải chấp nhận việc đồng tiền yếu hơn và các hậu quả liên quan khác, hoặc phải từ bỏ việc theo đuổi con đường khác biệt. 

Đối với Trung Quốc, vấn đề sẽ nằm ở khoản nợ nước ngoài của một số tập đoàn lớn cũng như việc các ngân hàng đang giao dịch với các nước đang phát triển. Đối với Nhật Bản, thu nhập khả dụng của hộ gia đình giảm đi có nghĩa là tăng trưởng sẽ thấp./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục