Sự thực về chi phí bào chế thuốc điều trị ung thư

12:39' - 12/09/2017
BNEWS Tạp chí nội khoa "JAMA Internal Medicine" của Mỹ ngày 11/9 công bố một nghiên cứu cho thấy chi phí để bào chế một loại thuốc mới điều trị ung thư thấp hơn rất nhiều so với những gì được biết tới nay.

Tạp chí nội khoa "JAMA Internal Medicine" của Mỹ ngày 11/9 cho biết, con số thực tế chỉ là 648 triệu USD, thay vì 2,7 tỷ USD.

Theo đồng tác giả công trình nghiên cứu trên, Vinay Prasad, thuộc Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon (OHSU), chi phí bào chế thuốc ung thư mới là một vấn đề quan trọng vì các con số này thường dẫn đến các cuộc tranh cãi về giá thành rất cao của các loại thuốc đưa ra thị trường.

Người ta thường biện hộ cho việc giá thuốc cao là do phải đầu tư nhiều tiền vào công tác nghiên cứu và bào chế (R&D) để đưa thuốc ra thị trường.

Các nghiên cứu trước cho thấy ước tính chi phí đưa một loại thuốc điều trị ung thư ra thị trường ở Mỹ vào khoảng từ 320 triệu USD đến 2,7 tỷ USD. Để ước tính chính xác hơn chi phí bào chế một loại thuốc ung thư mới, một nghiên cứu đã được tiến hành với 10 công ty dược phẩm chỉ cung cấp một loại thuốc ung thư trên thị trường Mỹ.

Kết quả rất đáng ngạc nhiên khi các phân tích cho thấy các công ty chỉ mất trung bình 7,3 năm để cho ra một loại thuốc mới với chi phí chỉ khoảng 648 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số thường được nhắc tới là 2,7 tỷ USD.

Các nhà nghiên cứu cũng phân tích các thành quả kinh doanh về lâu dài của các công ty trên và phát hiện rằng chỉ trong 4 năm, 10 loại thuốc trong nghiên cứu này đã đem về cho các công ty hơn 67 tỷ USD. Ông Prasad nhận định: "Quả là cực kỳ sinh lời!" và đặt câu hỏi liệu có thể giảm giá thuốc mà không ảnh hưởng tới quá trình R&D hay không?

Trong một bình luận về kết quả nghiên cứu trên, tạp chí Modern Healthcare viết rằng ngành công nghiệp này luôn tạo ra những khoản lợi nhuận lớn nhất trong số các ngành công nghiệp ở Mỹ.

Theo bài báo, nghiên cứu trên đã rõ rằng các chính sách về giá của ngành công nghiệp dược hiện nay không liên quan đến chi phí cho R&D. Các nhà hoạch định chính sách cần có các biện pháp an toàn để kiềm chế giá thuốc mà không ảnh hưởng tới công tác R&D./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục