Tác động Brexit đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN

08:27' - 06/08/2016
BNEWS Sự kiện Brexit sẽ mang đến cho các nước ASEAN một số lợi thế trong việc tạo ra những điều kiện thuận lợi để ký kết các thỏa thuận thương mại tự do và thu hút đầu tư từ Anh.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại "Hội thảo Brexit và Cộng đồng Kinh tế ASEAN dưới góc nhìn hội nhập".

Sự kiện Brexit có thể mang đến nhiều thuận lợi cho ASEAN. Ảnh: truewealthpublishing.asia

Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN - EU đạt 201,4 tỷ Euro (tương đương 227 tỷ USD), tăng 21,8 tỷ Euro, tương ứng 12,14%. Những số liệu này cho thấy EU luôn là một trong những thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của ASEAN.

Với EU, ASEAN có tiềm năng to lớn cho việc phát triển hợp tác thương mại hai bên bởi ASEAN vừa là thị trường vừa là cửa ngõ để EU đi vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngược lại, hầu hết các nước Đông Nam Á đều xem EU là đối tác chiến lược và kỳ vọng tăng cường mối quan hệ kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

Trong bối cảnh sự kiện Brexit đã làm Anh tạm thời giảm vị thế kinh tế và chính trị, dẫn đến nước này có nhiều khả năng chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương.

Các chuyên gia dự đoán, giai đoạn hậu Brexit, ngoài thị trường châu Âu, Anh sẽ chú trọng đa dạng thị trường, giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng và châu Á là điểm đến năng động, giàu tiềm năng.

Điều này, tạo điều kiện thuận lợi cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hướng đến mục tiêu hình thành một thị trường chung sống nhất; trong đó, thương mại, đầu tư được tự do hoá nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ASEAN trên thị trường toàn cầu. 

Xét về dài hạn, đây là cơ hội tốt để ASEAN; trong đó, có Việt Nam tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư với Anh. Việc tiếp cận thị trường Anh cũng là cơ hội để ASEAN và Việt Nam chủ động học hỏi cũng như thích ứng với biến động của tình hình kinh tế, chính trị từ sự kiện Brexit.

PGS.TS Lưu Ngọc Trịnh, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, cho rằng, việc Anh rời EU, tác động đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, cụ thể là Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc đàm phán.

Việt Nam và EU dự kiến ký kết và đưa EVFTA có hiệu lực từ năm 2018, nhưng tiến trình này có thể thay đổi do Brexit. Mặt khác, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đàm phán FTA với Anh, do nước này đã rời EU.

Theo ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Brexit không tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam, nhưng tác động gián tiếp là rất lớn.

Xuất khẩu của Việt Nam vào Anh chiếm tỷ trọng thấp và chỉ chiếm 0,14% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, đồng bảng Anh và đồng Euro giảm giá làm cạnh tranh xuất khẩu khó khăn hơn, nhất là khi các đối tác cạnh tranh xuất khẩu điều chỉnh giảm đồng tiền của họ.

Đồng thời, xuất khẩu vào Anh và EU từ những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam sẽ khó khăn hơn sẽ tác động gián tiếp đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục