Tác động của rủi ro địa chính trị Trung Đông đối với giá dầu

06:30' - 16/04/2024
BNEWS Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vừa đăng bài viết dẫn đánh giá của giới phân tích về triển vọng giá dầu sau những diễn biến mới nhất tại Trung Đông.

Giới phân tích nhận định cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran vào Israel cuối tuần qua có khả năng đẩy giá dầu lên ngưỡng 100 USD/thùng và làm phức tạp thêm những nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương cũng như các chính trị gia. Giá dầu Brent – đóng cửa phiên giao dịch 12/4 ở mức 90,45 USD/thùng - đã gia tăng do những lo ngại về căng thẳng địa chính trị ngày càng tồi tệ ở Trung Đông.

Iran đã phóng hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa vào Israel tối 13/4. Diễn biến mới nhất này đánh dấu cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào lãnh thổ Israel. Iran cũng đã tiến hành bắt giữ một tàu container có liên hệ với Israel ở Biển Arập.

Trước đó, giá dầu thô đã tăng vọt sau cuộc tấn công của Israel hôm 1/4 ở Syria, với giá dầu Brent lần đầu tiên tăng lên hơn 90 USD/thùng kể từ tháng 10/2023 giữa lúc các nhà giao dịch lo ngại về khả năng trả đũa từ Iran.

Ông Iman Nasseri, Giám đốc điều hành khu vực Trung Đông tại FGE, nhận định: "Các cơ hội để giá dầu đạt 100 USD/thùng đã gia tăng và thời điểm đã được đẩy nhanh hơn do các rủi ro địa chính trị hiện nay".

Giá dầu Brent đã tăng khoảng 17% kể từ đầu năm 2024 tới nay, nhờ lực đẩy từ một loạt yếu tố gồm rủi ro địa chính trị, việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là OPEC+, quyết định gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện cũng như những kỳ vọng về nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ trong những tháng mùa Hè.

 
Các nhà phân tích cho rằng trong khi sự gián đoạn tiềm tàng trong hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ ảnh hưởng đến giá dầu, thì rủi ro lớn nhất đối với thị trường năng lượng đến từ nguy cơ Eo biển Hormuz bị phong tỏa. Đây là nút thắt dầu mỏ quan trọng nhất của thế giới.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khoảng 30% thương mại dầu mỏ toàn cầu đi qua Eo biển Hormuz, trong đó 70% được vận chuyển đến châu Á. Iran trước đây từng tuyên bố nước này có thể đóng cửa tuyến đường hàng hải này nếu cần thiết.

Ông Nasseri nói thêm: “Theo quan điểm của tôi, việc Iran đóng cửa Eo biển Hormuz vẫn khó có thể xảy ra vì điều này sẽ có tác động rộng lớn hơn nhiều đối với khu vực và thế giới. Hành động đóng cửa eo biển này có thể là lời tuyên chiến với các nước phương Tây và các quốc gia láng giềng ở Trung Đông. Trong trường hợp kịch bản này xảy ra, nó sẽ có tác động nghiêm trọng đến thị trường năng lượng và các cường quốc chắc chắn sẽ can dự để mở nút thắt năng lượng này trong vòng vài tuần nếu không nói là vài ngày".

Phái đoàn thường trực của Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) nói rằng cuộc tấn công sẽ "được coi là đã kết thúc" nếu Israel không tấn công đáp trả. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cũng cảnh báo sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào từ bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.

Chuyên gia Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights, nói: "Tôi không cho rằng Israel sẽ tiến hành một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Iran. Tuy nhiên, tình hình sẽ dịu đi nếu Mỹ và các nước Arập đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giảm leo thang căng thẳng. Bất kỳ sự leo thang nào đều có nguy cơ đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện, gây nguy hiểm cho nguồn cung dầu khí của toàn bộ khu vực". Bà Hari nói thêm: "Sự can dự quân sự của Mỹ là trường hợp xấu nhất và tôi cho rằng điều đó sẽ được ngăn chặn".

Sản lượng dầu thô ở Trung Đông từng ghi nhận khoảng 30,7 triệu thùng/ngày trong năm 2022, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu thô toàn cầu. Mối đe dọa đối với hoạt động xuất khẩu dầu ở Eo biển Hormuz đã xuất hiện, giữa lúc một số công ty năng lượng lớn và các nhà khai thác tàu quyết định tránh đi qua Biển Đỏ do lực lượng Houthi ở Yemen không ngừng tấn công tàu thương mại ở vùng biển này.

Nhà phân tích Hasnain Malik, chiến lược gia về các thị trường mới nổi tại Tellimer, đánh giá: "Sự gián đoạn ở Trung Đông liên quan đến hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ vẫn có thể được kiềm chế... hơn là tình trạng tắc nghẽn kéo dài ở Eo biển Hormuz hoặc sự gián đoạn quy mô lớn trong hoạt động sản xuất và vận chuyển dầu ra khỏi Iran, Saudi Arabia và phần còn lại của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Vấn đề cung-cầu toàn cầu có thể quan trọng hơn rủi ro địa chính trị xét về tương lai gần".

IEA trong tháng này đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay, do mức tiêu thụ thấp hơn dự kiến và sự sụt giảm trong hoạt động công nghiệp ở các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Theo đó, IEA hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới năm 2024 xuống 1,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 100.000 thùng/ngày so với ước tính đưa ra vào tháng 3/2024.

Tuy nhiên, OPEC vẫn giữ vững mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu và tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 và 2025, với kỳ vọng thị trường dầu thô sẽ khởi sắc trong những tháng mùa Hè. OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ vẫn ở mức 2,2 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2025, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 2/2024.

Nhà phân tích Amrita Sen, đồng sáng lập và là trưởng bộ phận nghiên cứu tại Energy Aspects, nhận xét: "Một số phí rủi ro địa chính trị đã được phản ánh trong giá dầu và tác động từ các sự kiện diễn ra tối 13/4 vẫn tương đối hạn chế. Vì vậy, giá dầu có thể duy trì trên mức 90 USD/thùng và sẽ không có một bước nhảy vọt đáng kể". Tuy nhiên, bà Amrita Sen cho rằng tình hình vẫn chưa ổn định nên không thể loại trừ điều gì.

Sự tăng mạnh của giá dầu có thể sẽ khiến tình trạng lạm phát cao được duy trì. Lạm phát ở Mỹ đã tăng trở lại vào tháng trước, làm tiêu tan hy vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu tới. Điều này cũng báo hiệu lãi suất cao sẽ tiếp diễn trong thời gian dài hơn ở UAE và Saudi Arabia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục