Tâm lý chờ đợi vắcxin dịch vụ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ

20:01' - 03/06/2016
BNEWS Theo đánh giá của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.
Tâm lý chờ đợi vắcxin dịch vụ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Ngày 3/6, tại Cần Thơ, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo về truyền thông nguy cơ trong công tác tiêm chủng mở rộng.

Hội thảo nhằm chia sẻ, cung cấp thêm thông tin, kiến thức về vắcxin, thành tựu cũng như kết quả của Chương trình tiêm chủng mở rộng và chỉ ra nguyên nhân dẫn đến phản ứng sau tiêm chủng.

Theo đánh giá của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã giảm tỉ lệ mắc bệnh, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, thanh toán bệnh bại liệt, khống chế được nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Cụ thể, đến năm 2015, bệnh bạch hầu đã giảm 410 lần, bệnh ho già giảm 281 lần so với năm 1984; bệnh sởi giảm 502 lần so với năm 1984 và 66,4 lần so với năm 2014; bệnh uốn ván sơ sinh giảm 13 lần so với năm 1991... Đặc biệt, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt.

Từ 1.158 ca mắc bệnh bại liệt năm 1984 đến năm 1997 đã thanh toán được và từ năm 1997 đến nay không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh.

Năm 2015, công tác tiêm chủng mở rộng đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 97,2%; tiêm vắc - xin uốn ván cho phụ nữ có thai đạt 92,9%; tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B sơ sinh đạt 69,8%, tăng so với các năm gần đây. Chiến dịch tiêm vắcxin sởi - rubella cho nhóm 1-14 tuổi trên toàn quốc đạt tỷ lệ 98,2%.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường - Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Việc bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh đang gặp nhiều khó khăn.

Tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau khi sinh còn đạt thấp với tỷ lệ 69,8% năm 2015.

Chương trình tiêm chủng mở rộng đã làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Chất lượng dịch vụ tiêm chủng mở rộng tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đang là thách thức mặc dù đã có nhiều hoạt động ưu tiên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường do ảnh hưởng của một số phản ứng nặng sau tiêm chủng gây ra tâm lý lo ngại ở các bà mẹ khi đưa con đi tiêm nên việc đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em, phụ nữ còn gặp khó khăn.

Tâm lý chờ đợi tiêm vắc-xin dịch vụ dẫn đến các bậc phụ huynh trì hoãn các mũi tiêm khác khiến cho trẻ tiêm chủng muộn, tiêm chủng không đủ mũi đã tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh, xảy ra dịch, đặc biệt là bệnh sởi, bệnh ho gà.

Song song đó, nhận thức của một bộ phận người dân về tiêm chủng chưa cao, chưa thấy hết được lợi ích, ý nghĩa của việc tiêm chủng...

Lý giải về nguyên nhân phản ứng của các vắcxin sau tiêm chủng, theo Tiến sĩ Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, 5 nguyên nhân dẫn đến phản ứng sau tiêm chủng bao gồm: Do bản chất vắcxin, chất lượng vắcxin, lỗi tiêm chủng, tâm lý hoặc bệnh trùng hợp ngẫu nhiên là phản ứng do bệnh sẵn có của đối tượng tiêm chủng khám sàng lọc chưa phát hiện và bệnh khởi phát sau tiêm chủng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sau tiêm chủng các bà mẹ cần theo dõi 30 phút tại nơi tiêm, theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm và thông báo các bất thường của bé cho nhân viên y tế.

Nếu trẻ phát ban ngay sau tiêm vắcxin hay phát ban 12 giờ đầu sau tiêm vắcxin thì phải đưa bé đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để khám vì có thể bé gặp tiền chứng của sốc phản vệ.

Các chuyên gia đến từ các tổ chức UNICEF, WHO đánh giá, trong năm 2015, công tác bảo quản, vận chuyển vắcxin của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của WHO ở tất cả các tuyến và bảo quản vắcxin chất lượng, hiệu quả.

Việc ưu tiên đầu tư cho hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắcxin để đáp ứng việc bảo dưỡng, thay thế, bổ sung là rất cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục