Tân Thủ tướng Anh hoàn thiện kế hoạch trợ cấp chi phí năng lượng

12:18' - 08/09/2022
BNEWS Tân Thủ tướng Anh Liz Truss hôm 7/9 đã chuẩn bị các chi tiết cuối cùng của kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí năng lượng.

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss hôm 7/9 đã chuẩn bị các chi tiết cuối cùng của kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí năng lượng, động thái có thể “hạ nhiệt” lạm phát nhưng lại làm tăng thêm hơn 100 tỷ bảng Anh (115 tỷ USD) vào khối nợ công của nước này.

 

Trong ngày đầu tiên giữ vai trò Thủ tướng Anh sau khi thay thế ông Boris Johnson, bà Truss nói với Quốc hội Anh rằng bà sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình đang chuẩn bị cho cuộc suy thoái được dự báo sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.

Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1985, một phần do lo ngại của các nhà đầu tư về quy mô nợ mà Anh sẽ phải bán để tài trợ cho kế hoạch trợ giá năng lượng và việc cắt giảm thuế mà bà Truss đã cam kết.

Một nguồn tin thân cận với vấn đề trên cho biết, bà Truss đang xem xét “đóng băng” các hóa đơn năng lượng trong một kế hoạch có thể tiêu tốn tới 100 tỷ bảng Anh, một bước ngoặt lớn từ việc bà từ chối "các khoản tài trợ" trong giai đoạn đầu của chiến dịch chạy đua trở thành nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Deutsche Bank cho biết, việc hỗ trợ giá năng lượng và các khoản cắt giảm thuế được hứa hẹn có thể tiêu tốn 179 tỷ bảng Anh, bằng khoảng một nửa mức chi tiêu do đại dịch COVID-19 của Anh, qua đó “giáng” một đòn mạnh vào tài chính công của nước này.

Bà Truss bác bỏ yêu cầu của Công đảng đối lập rằng tài trợ một phần chi tiêu bằng cách tăng thuế đối với các công ty năng lượng. Dự kiến bà sẽ đưa ra chi tiết về kế hoạch ứng phó với khủng hoảng giá năng lượng tại Quốc hội vào ngày 8/9 (giờ địa phương).

Cũng trong ngày đầu tiên nắm quyền, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng, cho biết khoản nợ công của Anh sẽ tăng cao hơn trong ngắn hạn để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp, tài trợ cho việc cắt giảm thuế.

Ông nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp: "Chúng ta cần phải quyết đoán và làm mọi thứ theo cách khác. Điều đó có nghĩa là phải không ngừng tập trung vào cách chúng ta mở khóa đầu tư kinh doanh và phát triển quy mô của nền kinh tế Anh".

Mặc dù đồng bảng Anh giảm có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát trong nền kinh tế, kế hoạch đóng băng giá cả dự kiến có thể sẽ giúp giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt đối với người tiêu dùng, vốn đang ở mức nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.

Hồi tháng Tám vừa qua, BoE dự báo lạm phát của Anh sẽ vượt mức 13% và một số nhà kinh tế gần đây dự báo lạm phát của nước này có thể lên tới 20% nếu giá khí đốt tiếp tục được đẩy lên do cuộc xung đột Nga-Ukraine./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục