Tăng cường kết nối khu vực – nhiệm vụ quan trọng của ASEAN

19:13' - 02/03/2018
BNEWS Tại Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 24 (AEM Retreat 24), các bộ trưởng nhất trí rằng các ưu tiên được thiết kế để thúc đẩy các hoạt động đổi mới và thương mại điện tử...

Ngày 2/3, sau hai ngày nhóm họp tại Singapore, các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua các hợp tác ưu tiên kinh tế được xác định do Singapore - nước Chủ tịch ASEAN 2018 - đề xuất nhằm tăng cường tính kết nối khu vực cũng như nâng cao vị thế của ASEAN.

Tại Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 24 (AEM Retreat 24), các bộ trưởng nhất trí rằng các ưu tiên được thiết kế để thúc đẩy các hoạt động đổi mới và thương mại điện tử, thuận lợi hóa thương mại, tăng cường các dịch vụ và hội nhập đầu tư, xây dựng một môi trường kinh doanh thân thiện thông qua triển khai thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch Hành động chiến lược Cộng đồng Kinh tế ASEN (AEC) 2025.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang nhấn mạnh rằng những ưu tiên mà Singapore dự định theo đuổi trong năm 2018 sẽ mang đến những lợi ích hữu hình cho các doanh nghiệp và cả người dân ASEAN nhờ chi phí thấp hơn, nguồn nguyên liệu dồi dào hơn và môi trường thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư.

Theo Bộ trưởng Lim Hng Kiang, điều này sẽ giúp tạo ra sự tự tin cho các doanh nghiệp khi họ tham gia vào chuỗi liên kết của khu vực.

Cũng theo Bộ trưởng Lim Hng Kiang, đến nay ASEAN đã đạt được những thành công ban đầu với việc ban hành Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW) và thông qua Tuyên bố ASEAN về du lịch tàu biển để phát triển du lịch biển trong khu vực.

Phát biểu bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện các cam kết thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Việt Nam cũng tích cực phối hợp với ASEAN hoàn tất việc xây dựng Chỉ số Thuận lợi hóa thương mại (TFI) để đo lường mức độ thuận lợi thương mại của từng nước ASEAN.

Trên cơ sở đó, ASEAN sẽ đưa ra khuyến nghị đối với mỗi nước về những biện pháp cần phải cải thiện để có thể được đạt mục tiêu giảm 10% chi phí thương mại vào 2020 và tăng gấp đôi kim ngạch thương mại nội khối vào 2025.

Việt Nam đã tích cực triển khai Sáng kiến về việc xây dựng một cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (C/O) toàn khu vực ASEAN (AWSC) thay thế cho hai cơ chế tự chứng nhận xuất thí điểm số 1 và số 2 đang được thực hiện hiện nay.

Việc xây dựng cơ chế chung này sẽ giúp doanh nhân Việt Nam có thể tự chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang cả chín nước ASEAN, thay vì chỉ được tự chứng nhận khi xuất khẩu sang một số nước ASEAN như hiện nay.

Cơ chế trên sẽ giúp giảm đáng kể chi phí thương mại, thời gian xin cấp C/O của thương nhân, giúp tăng tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi. Bên cạnh đó, cơ chế này cũng giúp tiết kiệm nguồn nhân lực và chi phí vận hành của cơ quan quản lý nhà nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục