Tăng giá dịch vụ y tế: Cần sớm tháo gỡ một số vướng mắc

15:46' - 13/03/2016
BNEWS Trong quá trình triển khai Thông tư số 37/TTLT-BYT-BTC về Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, các bệnh viện đều gặp vướng mắc trong khâu áp giá thanh toán viện phí.
Cần sớm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư số 37/TTLT-BYT-BTC. Ảnh minh họa: Lâm Khánh–TTXVN

Sau gần 2 tuần triển khai Thông tư số 37/TTLT-BYT-BTC về Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, tại Hải Phòng, lãnh đạo nhiều bệnh viện công lập và ngoài công lập đều bày tỏ sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, quá trình triển khai Thông tư, các bệnh viện đều gặp vướng mắc trong khâu áp giá thanh toán viện phí do chưa đồng bộ về danh mục kỹ thuật và yêu cầu về nhân lực. 

Vấn đề người bệnh quan tâm nhất là viện phí tăng, chất lượng dịch vụ có tăng? Đối với những người nghèo, cận nghèo, việc tăng giá viện phí sẽ tác động như thế nào đến cuộc sống của họ. Bác Đặng Thị Lan, 62 tuổi, nhà ở đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, mua thẻ bảo hiểm tự nguyện chưa được 5 năm. Theo quy định, mỗi năm trung bình bác Lan đều phải đi khám và điều trị bệnh từ 1-3 lần do các bệnh liên quan đến tuổi tác và thời tiết như viêm đường hô hấp, viêm cơ xương khớp. Thực hiện lộ trình thông tuyến chuyên môn kỹ thuật theo Luật bảo hiểm y tế, bác Lan có thể lựa chọn các bệnh viện đồng hạng cả của công lập và ngoài công lập vì đều được Bảo hiểm y tế thanh toán.

Với loại Thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện của bác sẽ được hưởng mức quyền lợi là 80% chi phí khám, điều trị bệnh bằng bảo hiểm. Như vậy, bác Lan có cơ hội được chọn những cơ sở y tế có chất lượng dịch vụ và điều trị tốt hơn mà không phải chi trả thêm chi phí như trước khi có Thông tư 37. Tuy nhiên, bác Lan cũng khá lo lắng, nếu mỗi lần khám và điều trị các bệnh thông thường thì chi phí tăng so với trước khi có Thông tư 37 là không đáng kể, nhưng nếu không may phải điều trị trong thời gian dài thì mức tăng của 20% chi phí khám, chữa bệnh cũng sẽ trở thành gánh nặng đối với người già như bác. 

Ở góc độ của một người quản lý, Bác sĩ chuyên khoa II Tăng Xuân Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Kiến An lại cho rằng, việc tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 không ảnh hưởng nhiều đến các đối tượng người bệnh, đặc biệt là không ảnh hưởng đến người bệnh nghèo. Những người nghèo, cận nghèo đã được Nhà nước cấp bảo hiểm miễn phí và thanh toán từ 95- 100% chi phí khám chữa bệnh. Những người bệnh không có bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán theo giá cũ.

Hơn nữa, trước khi thực hiện giá theo Thông tư 37 người bệnh thường phải mua thêm các y dụng cụ vật tư tiêu hao để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt là các kỹ thuật cao cần dùng các y cụ nhập ngoại đắt tiền. Hiện nay với giá dịch vụ mới đã được tính đúng, tính đủ thì người bệnh không phải mua thêm bất kỳ y dụng cụ vật tư tiêu hao gì, tất cả đều được bảo hiểm y tế thanh toán.

Ngoài ra, việc thực hiện Thông tư 37 cũng tạo điều kiện cho bệnh viện có thêm nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đào tạo con người nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ người dân. Vì những lợi ích khi triển khai Thông tư 37 như trên cũng góp phần khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế nhằm thực hiện chính sách bảo hiểm y tế toàn dân của Đảng và Nhà nước. 

Một số bác sĩ quản lý các bệnh viện khác cũng cho biết, Thông tư 37 có hiệu lực chính thức tạo ra sự bình đẳng trong cạnh tranh giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, người bệnh được lựa chọn nơi khám, điều trị đồng hạng nếu họ thấy hài lòng hơn về chất lượng khám, điều trị và dịch vụ. Các bệnh viện được tự chủ về tài chính và đặt trong bối cảnh cạnh tranh sẽ có nguồn vốn để tái đầu tư về nhân lực, trang thiết bị và phải luôn luôn chú ý đến sự hài lòng của người bệnh. 

Vấn đề vướng nhất khi triển khai Thông tư 37 đó chính là thanh toán viện phí cho người bệnh. Bác sĩ chuyên khoa II Tăng Xuân Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Kiến An cho biết thêm, việc thực hiện Thông tư 37 giai đoạn đầu sẽ phải chia thành nhiều đối tượng người bệnh (người bệnh bảo hiểm y tế, người bệnh viện phí, người bệnh bảo hiểm y tế vào viện điều trị trước ngày 1/3/2016, người bệnh bảo hiểm y tế vào viện từ ngày 1/3/2016).

Hơn nữa, hiện nay danh mục kỹ thuật tương đương chưa được công bố hết nên việc tích các dịch vụ kỹ thuật trên phần mềm quản lý bệnh viện của các bác sĩ và việc áp giá thanh toán dễ bị nhầm lẫn gây thất thoát cho bệnh viện và người bệnh. Việc này đặc biệt hay xảy ra lúc người bệnh đến khám chữa bệnh đông, những khoa làm việc với cường độ cao áp lực lớn. Do vậy, bệnh viện đã tiến hành tập huấn, quán triệt nhiều buổi, đến từng cán bộ viên chức về các nội dung của Thông tư 37 nhằm tránh nhầm lẫn trong việc tích và áp giá dịch vụ. 

Cùng trăn trở về việc quyết toán với bảo hiểm, Bác sĩ Trần Văn Đàn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồ Sơn cho biết, do Thông tư 37 hướng đến việc tính đúng, tính đủ trong chi phí y tế nên bảo hiểm sẽ phải chi trả nhiều hơn và cũng có những yêu cầu bắt buộc đối với phía cơ sở y tế được thanh toán bảo hiểm như phải có bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa riêng (như tai mũi họng, sản, nhi, mắt…).

Bệnh viện đa khoa Đồ Sơn có 9 bác sĩ, trong đó có 3 người đảm nhiệm cương vị quản lý, như vậy sẽ không đủ bác sĩ để đảm đương công việc khám, điều trị chứ chưa nói đến việc có chứng chỉ chuyên khoa. Không có chứng chỉ chuyên khoa, bảo hiểm không thanh toán. Như vậy, cái vòng luẩn quẩn sẽ rơi vào những bệnh viện tuyến cơ sở, nơi không thu hút được nguồn nhân lực. Không có đủ bác sĩ, trang thiết bị nghèo nàn, thanh toán viện phí khó khăn thì việc bệnh nhân chuyển tuyến, chuyển bệnh viện là điều hoàn toàn dễ hiểu, nhất là trong điều kiện thông tuyến bệnh viện đồng hạng như hiện nay. 

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành danh mục kỹ thuật tương đương còn lại để các bệnh viện cập nhật và tập huấn cho các bác sĩ trong đơn vị y tế. Thực tế cho thấy, nếu bệnh viện nào năng động, xây dựng được quy trình quản lý tốt thì việc cập nhật danh mục kỹ thuật tương đương được triển khai, tuy vất vả nhưng không phải là không thể. Đối với những bệnh viện tuyến cơ sở, cần có sự vào cuộc của ngành quản lý để tăng cường thêm bác sĩ, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và là yếu tố cơ bản để hoàn thành thủ tục thanh toán bảo hiểm cho bệnh nhân./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục