Tăng lợi nhuận từ mô hình lúa chất lượng cao phát thải thấp

19:50' - 04/09/2024
BNEWS Ngày 4/9, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Sơ kết 7 mô hình thí điểm Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Ngày 4/9, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Sơ kết 7 mô hình thí điểm Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đề án này đã có 7 mô hình thí điểm được triển khai thực hiện tại 5 tỉnh gồm Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ.

 

Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, các mô hình của Đề án được triển khai thí điểm đã thực hiện trong vụ Hè Thu và đầu vụ Thu Đông 2024. Kết quả thực hiện 4 mô hình vụ Hè Thu 2024 tại 3 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 196 ha; trong đó, mô hình tại Cần Thơ đã thu hoạch xong, năng suất đạt được trong mô hình là 64 tạ/ha, cao hơn năng suất diện tích ngoài mô hình là 7 tạ/ha. Mô hình tại tỉnh Trà Vinh, năng suất đạt 61 tạ/ha, cao hơn năng suất diện tích ngoài mô hình là 2 tạ/ha.

Còn 1 mô hình ở tỉnh Trà Vinh và 1 mô hình ở Sóc Trăng lúa đang thu hoạch, ước năng suất đạt hơn 64 tạ/ha cao hơn năng suất ngoài mô hình trung bình 4,6 tạ/ha, sản lượng lúa giảm phát thải ước tổng cộng trên 1.260 tấn. Vụ lúa Thu Đông 2024, có 3 mô hình đã gieo sạ 140 ha, ước năng suất trung bình đạt hơn 63 tạ/ha và sản lượng đạt 157 tấn, lúa đang phát triển tốt. Dự kiến thu hoạch từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2024.

Kết quả giảm khí phát thải khí nhà kính trong các mô hình cho thấy, tại thành phố Cần Thơ giảm đến 12 tấn CO2 tương đương/ha, so với ngoài mô hình để nước ngập liên tục và vùi rơm trên đồng; giảm 5 tấn CO2 tương đương/ha so với nông dân ngoài mô hình có áp dụng mô hình ngập khô xen kẽ (AWD) chung trong hợp tác xã nhưng vùi rơm trên đồng.

Tại Sóc Trăng, mô hình thí điểm áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải có lượng khí phát thải 9.505kg CO2 tương đương/ha/vụ, trong khi đó ngoài mô hình không áp dụng quy trình phát thải là 13.501kg CO2 tương đương/ha/vụ. Tại Trà Vinh, trung bình 2 mô hình thí điểm áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải có lượng khí phát thải 7.610kg CO2 tương đương/ha/vụ, trong khi đó ngoài mô hình không áp dụng quy trình phát thải 13.065 kg CO2 tương đương/ha/vụ.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai 7 mô hình thí điểm thuộc Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại 5 tỉnh, bước đầu các mô hình đạt kết quả rất khả quan, giảm chi phí, năng suất cao, góp phần tăng thêm thu nhập đáng kể cho nông dân. Mô hình triển khai thí đểm tại Sóc Trăng là một điển hình.

Đánh giá mô hình thực hiện tại Sóc Trăng, ông Trần Tấn Phương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: Vụ Hè Thu 2024, tỉnh triển khai thí điểm 50 ha tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) với 46 hộ tham gia. Giống lúa được chọn gieo sạ là ST25, thời gian sinh trưởng 105 ngày. Mô hình được áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo quyết định của Cục Trồng trọt.

Thực hiện cơ giới hóa vào đồng ruộng, gieo sạ bằng máy, sử dụng lượng giống 60kg/ha, giảm 10kg/ha so nông dân ngoài mô hình; nhất là giảm 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm trên 41% lượng đạm so với ngoài mô hình. Việc đo đạc lượng khí phát thải được theo dõi chặt chẽ. Mô hình thí điểm áp dụng quy trình kỹ thuật giảm phát thải do Cục Trồng trọt ban hành có lượng khí phát thải 9.505kg CO2 tương đương 1ha/vụ. Trong khi ngoài mô hình, không áp dụng quy trình phát thải 13.501kg CO2, chênh lệch phát thải trong và ngoài mô hình là giảm 3.996 kg CO2.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định, triển khai thí điểm mô hình Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" tại các địa phương đã góp phần thay đổi tư duy của nông dân về quy trình canh tác lúa. Mô hình đã chứng minh giảm chi phí sản xuất từ 20 - 30%, tăng lợi nhuận cho nông dân, giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc xây dựng mô hình, đẩy mạnh áp dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật, công nghệ, cơ giới; hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản. Qua đó, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân, xử lý rơm rạ hiệu quả, giảm phát thải, thực hiện các tiêu chí của đề án để minh chứng tính khả thi. Từ đó, tiếp tục triển khai trên diện rộng trong những vụ lúa tới.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh tham gia thực hiện Đề án tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm trong vụ Đông Xuân tới; tổng hợp các số liệu về mô hình thí điểm để làm sổ tay phổ biến đến nông dân.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày 4/9, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị trực thuộc, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, ngành nông nghiệp các địa phương trong khu vực thực hiện Đề án đã tham quan mô hình Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Với diện tích 50 ha, thực hiện trong vụ lúa Hè Thu năm 2024, giống lúa gieo sạ là ST25 cấp xác nhận, thời gian sinh trưởng của lúa 105 ngày, hiện đang được thu hoạch.

Theo lãnh đạo Hợp tác xã Hưng Lợi, sau thu hoạch lúa trong mô hình thí điểm cho thấy chi phí sản xuất thấp hơn so với bên ngoài mô hình là hơn 5,3 triệu đồng/ha và lợi nhuận mô hình thí điểm cao hơn hơn 5,2 triệu đồng/ha so với bên ngoài mô hình. Hiệu quả của mô hình sản xuất tăng 32%. Kết quả đo đạc phát thải khí nhà kính trong vụ Hè Thu này tại Hợp tác xã giảm 3.996kg CO2 tương đương/ha/vụ, tương đương 29,6% so với ruộng ngoài mô hình.

Thành công của mô hình tại Hợp tác xã Hưng Lợi và các mô hình thí điểm tại 6 điểm ở 5 tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là tiền đề để việc tiếp tục triển khai mở rộng trên diện rộng theo kế hoạch. Đây cũng là động lực khuyến khích người dân trong vùng áp dụng, nhân rộng mô hình trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục