Tăng tốc mở rộng "vùng xanh"

20:26' - 14/09/2021
BNEWS Tính từ 17 giờ ngày 13/9 đến 17 giờ ngày 14/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.508 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh; 10.496 ca trong nước.

Theo thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 17 giờ ngày 13/9 đến 17 giờ ngày 14/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.508 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh; 10.496 ca ghi nhận trong nước.

Trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh (6.312 ca); Bình Dương (2.178 ca); Đồng Nai (777 ca); Long An (379 ca); Kiên Giang (157 ca); An Giang (111 ca); Tiền Giang (102 ca). Trong số này có 6.740 ca trong cộng đồng.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 635.055 ca nhiễm; trong đó có 398.461 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 15.936 ca tử vong.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.933 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.693 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.164 ca; Thở máy không xâm lấn: 132 ca; Thở máy xâm lấn: 910 ca; ECMO: 34 ca

* Tiếp nhận vacine do Chính phủ Pháp và Italy tài trợ

Theo tin từ Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, sáng 14/9, lễ tiếp nhận tượng trưng 1,5 triệu liều vaccine Astra Zeneca phòng COVID-19 do Chính phủ Pháp và Chính phủ Italy tài trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX đã diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao.

Cho đến nay, Pháp và Italy là hai trong số những quốc gia thành viên EU viện trợ vaccine phòng COVID-19 lớn nhất cho Việt Nam. Đây là kết quả của quá trình vận động tích cực ở các cấp, trong đó có việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm và gửi thư cho Thủ tướng Pháp Jean Castex, Thủ tướng Italy Mario Draghi.

Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến trưa 14/9, Việt Nam đã thực hiện được trên 30,4 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19. Trước đó, trong 5 ngày liên tiếp (từ 9-13/9), mỗi ngày đều có hơn 1 triệu mũi tiêm được thực hiện. 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất (số mũi tiêm/số vaccine được cấp theo quyết định) cập nhật là Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Phước, Vĩnh Long, Cà Mau, Kon Tum, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Lâm Đồng.

Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là 5 địa phương được Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 do ở thời điểm thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng ngày 5/9, năm địa phương ngày nằm trong số 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp nhất tính theo số mũi tiêm/số vaccine phân bổ theo quyết định.

Hiện 10 địa phương có tỷ lệ tiêm thấp nhất hiện nay tỉnh đến ngày 14/9 là Hải Phòng, Hà Giang, Nghệ An, Nam Định, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Tây Ninh, Phú Yên, Quảng Nam.

* Trao tặng suất ăn dinh dưỡng đến các cán bộ y tế tuyến đầu

Ngày 14/9, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Lễ ký kết chương trình "Thảo thơm cơm nhà" với mục đích vận động và trao tặng 100.000 suất ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến các cán bộ y tế tuyến đầu.

Theo đó, chương trình "Thảo thơm cơm nhà" sẽ kêu gọi sự chung tay, góp sức ủng hộ của cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước nhằm tập trung nguồn lực, có thật nhiều bữa cơm ấm áp nghĩa đồng bào gửi đến những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm quên mình, hy sinh vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Điều kiện, môi trường phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phía Nam rất khắc nghiệt. Từ điều kiện cơ sở vật chất, phong tục tập quán của người dân, điều kiện địa lý, thời tiết khác biệt khiến cán bộ, nhân viên y tế rất vất vả. Ngoài giành giật sự sống cho người bệnh, cán bộ, nhân viên y tế còn làm việc với áp lực lớn, mặc quần áo bảo hộ từ sáng đến tối, đóng bỉm và sinh hoạt tại chỗ.

Do đó, những suất ăn từ chương trình "Thảo thơm cơm nhà" có ý nghĩa động viên sâu sắc, chăm lo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên ngành y tế để họ tập trung sức lực vào công tác phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Thời gian qua, dù đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các đơn vị và địa phương hết sức nỗ lực, chăm lo, đảm bảo chế độ chính sách, cơ sở vật chất, hỗ trợ hết mức nhưng các đoàn cán bộ y tế tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các suất ăn chưa đảm bảo dinh dưỡng.

Công việc cứu chữa người bệnh đòi hỏi rất khẩn trương, không kể thời gian, nên việc ăn uống, nghỉ ngơi của cán bộ y tế là hết sức ngặt nghèo, do vậy việc tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng bữa ăn cho cán bộ y tế là cần thiết.

* Một số địa phương nới lỏng giãn cách

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến UBND Thành phố sẽ báo cáo Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố để có nghị quyết thông qua một số chương trình sau ngày 15/9. Trong đó, giai đoạn từ ngày 16-30/9 là thời điểm thử nghiệm các chương trình nới lỏng giãn cách ở các địa bàn Quận 7, Củ Chi và Cần Giờ.

Từ ngày 16/9, dự kiến lực lượng giao hàng sẽ được chạy liên quận/huyện. Bên cạnh đó lực lượng này còn được hỗ trợ xét nghiệm/test nhanh COVID-19 để phục vụ tốt việc giao nhận hàng hóa cho người dân.

Ngoài 3 địa phương là Cần Giờ, Quận 7, Củ Chi đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh thì nhiều quận/huyện khác ở Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng tốc mở rộng vùng xanh; xây dựng các khu phố, tổ dân cư an toàn không COVID-19...

Tại thành phố Hà Nội, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.

Tại tỉnh Khánh Hòa, Thành phố Nha Trang yêu cầu các xã, phường phát huy vai trò tự quản của người dân vùng xanh, tiếp tục siết chặt và thực hiện lấy mẫu tầm soát cộng đồng 3 ngày/lần đối với vùng cam và vùng đỏ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, cố gắng đến ngày 16/9 đạt mức trên 200.000 người dân thành phố được tiêm mũi 1.

Tại tỉnh Long An, UBND tỉnh có văn bản tiếp tục thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 20/9. Trong đó, từ 0 giờ ngày 14/9, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 trong các khu vực thực hiện Chỉ thị 15 có thể đi qua các trạm, chốt kiểm soát dịch.

Riêng những người đã tiêm 2 mũi vaccnie COVID-19 tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa nhưng nằm trong khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 thì có thể qua các trạm, chốt kiểm soát dịch nhưng chỉ đi lại trong phạm vi nội huyện.

UBND Thành phố Hải Phòng điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới trên toàn địa bàn thành phố. Theo đó, từ 0 giờ ngày 15/9, thành phố Hải Phòng cho phép một số hoạt động dịch vụ như nhà hàng, quán ăn, cơ sở spa... được phép hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo yêu cầu và hướng dẫn về phòng chống dịch. Công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố được mở cửa trở lại nhưng không tập trung quá 10 người một chỗ cùng thời điểm và đảm bảo khoảng cách 2m.

Tại tỉnh Thái Bình, từ 5 giờ ngày 15/9, cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phục vụ tại chỗ nhưng phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch như: Ghi nhật ký khách hàng; thực hiện nghiêm khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế. Thời gian phục vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống không quá 21 giờ; tuyệt đối không sử dụng vỉa hè để kinh doanh.

UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất sẽ nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 20/9 thay vì sau ngày 15/9 như dự kiến ban đầu, đồng thời có các biện pháp cụ thể tại các vùng xanh, đỏ, vàng, cam để kiểm soát tình hình.

* Hà Nội nỗ lực trong công tác tiêm chủng

Trao đổi với các phóng viên, sáng 14/9, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đánh giá cao lực lượng tuyến đầu, các y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế thành phố đã nỗ lực vượt bậc trong hơn một năm chiến đấu với đại dịch COVID-19, đặc biệt là trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư này.

Đặc biệt, ngành y tế Thủ đô đã bảo đảm 1.600 dây chuyền tiêm vaccine với năng lực tiêm khoảng 500.000 mũi tiêm/ngày; đã kích hoạt phương án 20.000 giường bệnh điều trị F0; đang tiếp tục chuẩn bị cho phương án 30.000-40.000 giường với quyết tâm không để F0 phải điều trị tại nhà...

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, thực hiện yêu cầu của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã khẩn trương liên lạc, phối hợp với các tỉnh, thành phố để tổ chức cho gần 8.000 y, bác sĩ, nhân viên xét nghiệm, kỹ thuật viên, sinh viên của 12 địa phương tham gia, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng cử tới hỗ trợ Thủ đô... Số lượng mũi tiêm trong ngày liên tục lập kỷ lục mới, cao nhất là ngày 12/9 với hơn 573.000 liều vaccine. Điều này khẳng định sự cố gắng vượt bậc của các lực lượng, nhất là đội ngũ y, bác sĩ.

Chỉ còn ít thời gian nữa là đến thời hạn hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, các đoàn công tác của các tỉnh, thành phố; tận dụng từng phút từng giờ để về đích mục tiêu tiêm chủng bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao.

Hà Nội đang tiến dần tới ngày nới lỏng giãn cách toàn xã hội, đồng chí Đinh Tiến Dũng kêu gọi người dân Hà Nội tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương và thành phố; nhất là tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh khi đi tiêm vaccine.

Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ 11 giờ ngày 13/9 đến 11 giờ ngày 14/9, lực lượng Công an Thủ đô đã phát hiện, lập hồ sơ, tham mưu chính quyền các cấp xử phạt hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch đối với 332 trường hợp. Trong đó có 6 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; 326 trường hợp vi phạm khác (không thực hiện biện pháp cách ly, tập trung đông người, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy cách...).

Công an thành phố cho biết thêm, ngày 14/9, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) lắp đặt các camera quét mã QR code tại 67 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19. Hệ thống camera quét mã QR code được hỗ trợ hoàn toàn trên nền tảng ứng dụng của Bộ Công an tại trang kiemdich.dancuquocgia.gov.vn và cài đặt đơn giản, thời gian quét rất nhanh trong khoảng từ 2-5 giây.

Theo Công an thành phố Hà Nội, trước khi tham gia giao thông, người dân kê khai đầy đủ thông tin cá nhân bằng điện thoại di động, máy tính bảng... có kết nối internet tại địa chỉ http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc trên ứng dụng VNEID.

Sau khi kê khai đầy đủ, hệ thống cho phép xuất/lưu mã QR code. Khi người dân đi qua các chốt kiểm soát chỉ cần xuất trình mã QR code để cán bộ đối chiếu. Mã QR code được xuất/lưu trên các ứng dụng này có giá trị trong vòng 72 giờ, phục vụ quá trình đi lại của công dân được nhanh chóng, thuận tiện.

* Kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Tiền Giang

Sáng 14/9, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã tới kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số bệnh viện dã chiến, khu cách ly và làm việc với Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang.

Kết luận buổi kiểm tra, Thượng tướng Võ Minh Lương đề nghị Tiền Giang phải tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm COVID-19 khoa học, phải đẩy tốc độ xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây, có như vậy mới xác định được vùng xanh an toàn. Khi xác định được các vùng phải tiến hành khóa chặt vòng ngoài, ngăn chặn F0 lọt vào địa bàn.

Tổ chức trạm y tế lưu động tại các địa bàn nguy cơ cao để tiếp cận giúp đỡ y tế cho người dân tại nhà.

Đồng thời phải kiểm soát tốt các tầng điều trị; phân loại bệnh nhân F0 thành hai nhóm là có bệnh nền và không có bệnh nền để có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả. Thượng tướng Võ Minh Lương cũng đề nghị tỉnh Tiền Giang chuẩn bị lượng ô-xy tập trung, tránh bị động bất ngờ khi có tình huống xảy ra.

Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ địa phương các phương án phòng, chống dịch, đồng thời nghiên cứu, bổ sung lượng vaccine phù hợp với nhu cầu của tỉnh để đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm chủng, giúp Tiền Giang nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục