Tăng trưởng xanh sẽ góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế

13:16' - 24/09/2022
BNEWS Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh và tiềm năng thu hút vốn cho tăng trưởng xanh cho Việt Nam là rất lớn.

Đó là một số ý kiến được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: "Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 24/9.

Ảnh: Quang cảnh hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, thực hiện tăng trưởng xanh sẽ góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và con người trước biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, tạo thuận lợi cho việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh.

Ngay từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi là chìa khóa để bảo đảm cho các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

Theo TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chiến lược tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 26. Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và hành động khí hậu thông qua hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và tiếp tục được khẳng định bằng cam kết mạnh mẽ về "phát thải ròng bằng "0" (PTR0)" của Việt Nam. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh và làm tiền đề cho Lộ trình PTR0, đồng thời hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.

Ông Việt Anh cũng chỉ rõ, mặc dù, đang tồn tại một số rào cản nhất định, tiềm năng thu hút dòng vốn cho tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho Việt Nam là rất lớn.

Nhìn ở góc độ phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, PGS, TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, tăng trưởng kinh tế cao gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống xanh, sạch, đẹp không phải chỉ được thực hiện khi giàu có, mà cần được triển khai thực hiện ngay từ bây giờ, trong từng bước phát triển của đất nước và được triển khai trong từng cơ chế, chính sách phát triển cụ thể.

"Đây chính là ba trụ cột bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế, của xã hội, của một đất nước theo nguyên lý kiềng 3 chân, lệch bên nào cũng đưa đến không cân bằng và có nguy cơ đổ vỡ", PGS, TS. Lê Quốc Lý cho biết.

Chia sẻ về vấn đề thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số để tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2022, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Nhưng tất nhiên, chỉ mới là "vốn mồi", còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu.

Bà Bùi Thu Thủy cũng chỉ rõ, theo thống kê mới nhất, chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong tương quan của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 0,4% GDP so với con số 3,3% của Nhật Bản, 2,2% của Singapore, 2,1% của Trung Quốc.

Trong khi chuyển đổi số trong doanh nghiệp được coi là một hợp phần quan trọng trong kế hoạch hành động nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hiện vẫn còn những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

"Chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và chưa thực chất. Chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong tương quan của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 0,4% GDP so với con số 3,3% của Nhật Bản, 2,2% của Singapore, 2,1% của Trung Quốc. Tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ chiếm 22% so với 34% của Indonesia, 62% của Thái Lan", bà Bùi Thu Thủy dẫn chứng.

Cùng với đó, chi phí lao động ở Việt Nam còn thấp là một trở ngại cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp, cá nhân sở hữu các bằng sáng chế công nghệ, chủ yếu sử dụng các công nghệ sẵn có của nước ngoài để tùy biến, phát triển.

Hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây cũng là các thách thức, hạn chế cho doanh nghiệp khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số (tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan...).

Bên cạnh các vấn đề trên, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, các địa phương đã cùng chia sẻ, thảo luận, bàn thảo phương thức thực hiện mô hình tăng trưởng xanh của Việt Nam trong giai đoạn tới, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục