Tạo cơ chế để đưa kỹ sư về Hợp tác xã

10:38' - 27/03/2022
BNEWS Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 752 hợp tác với hơn 203 nghìn thành viên; trong đó, số cán bộ quản lý là hơn 2.900 người, chủ yếu cán bộ mới đạt trình độ sơ cấp trở lên, chiếm 48,6%.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo động lực mới cho kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có nhiều cơ chế chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm đưa các Hợp tác xã phát triển mạnh mẽ, nâng cao thu nhập cho các thành viên.

 

Đưa kỹ sư về Hợp tác xã

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa (xã An Hòa, huyện Tam Dương) là một trong 4 Hợp tác xã được tỉnh Vĩnh Phúc chọn triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng về làm việc có thời hạn.

Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa cho biết, trước khi có trí thức trẻ về làm việc, hợp tác xã chủ yếu tập trung vào sản xuất chứ chưa có hoạt động kinh doanh dịch vụ; phương án sản xuất kinh doanh còn đơn lẻ với quy mô nhỏ, lợi nhuận chưa cao.

Bởi lẽ, các thành viên Ban Giám đốc Hợp tác xã đều là những người có tuổi và trình độ còn hạn chế, nhất là trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ.

Từ tháng 9/2019, với sự "tiếp sức" của một kỹ sư nông nghiệp trẻ, Hợp tác xã đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, liên kết với doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã hiệu quả hơn.

Doanh thu năm sau cao hơn năm trước, đạt hơn 7 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 10 lao động. Đặc biệt, sản phẩm rau, củ, quả của Hợp tác xã đã có mặt ở hệ thống các Siêu thị BigC toàn miền Bắc, nhiều bếp ăn tập thể ở Hà Nội và các tỉnh lân cận với sản lượng cung ứng bình quân đạt từ 150 - 200 tấn/tháng.

Triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng về làm việc có thời hạn tại Hợp tác xã, từ đầu năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa 4 kỹ sư trẻ có trình độ về làm việc tại 4 Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa; Hợp tác xã Rau an toàn Visa (xã Đại Tự, huyện Yên Lạc); Hợp tác xã Phú Thái (xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường) và Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải (xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên).

Chủ trương này bước đầu đã phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã, đáp ứng được việc cung ứng các dịch vụ cho thành viên, đổi mới tổ chức quản lý, tạo động lực thúc đẩy Hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Đặc biệt, nguồn nhân lực này đã giúp các Hợp tác xã quản lý, lưu trữ hồ sơ, sổ sách, tiếp cận với công nghệ thông tin trong công tác quản lý cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm để ngày càng hoạt động hiệu quả hơn.

Tạo động lực mới cho Hợp tác xã hoạt động

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 752 hợp tác với hơn 203 nghìn thành viên; trong đó, số cán bộ quản lý là hơn 2.900 người, chủ yếu cán bộ mới đạt trình độ sơ cấp trở lên, chiếm 48,6%.

Nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là đối với các Hợp tác xã nông nghiệp là nhân tố quan trọng để ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, điều hành và sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể chủ lực này, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, số Hợp tác xã hoạt động tốt, khá chiếm từ 60%; cán bộ quản lý Hợp tác xã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng ít nhất 24%; doanh thu và lãi của các hợp tác xã tăng bình quân từ 5-6%/năm.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ công tác đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức cho đối tượng là thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tỉnh trợ đào tạo tối đa hai cán bộ, thành viên/hợp tác xã và không quá 25 triệu đồng/người/khóa.

Vĩnh Phúc hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp có nhu cầu về lao động là người tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng và trên Đại học phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, Quỹ Tín dụng nhân dân, không quá 40 tuổi, có sức khỏe tốt.

Mức hỗ trợ hàng tháng ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 1 người/tổ chức kinh tế tập thể và thời gian hỗ trợ không quá 3 năm/hợp tác xã.

Cùng với đó, tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, thành viên, người lao động của Hợp tác xã về nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, chính sách, pháp luật có liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh.

Các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng trong điều hành hoạt động của Hợp tác xã, duy trì, xây dựng những mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế; hướng dẫn quy trình xây dựng sản phẩm OCOP; xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm... được tổ chức với mức hỗ trợ tối đa 60 triệu đồng/lớp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục