Tạo cơ hội để hàng Việt vươn xa

15:19' - 27/03/2024
BNEWS Ngay từ những tháng đầu năm nhiều Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; trong đó, chú trọng việc đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối bản địa.

Nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại trong năm 2024, ngay từ những tháng đầu năm nhiều Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; trong đó, chú trọng việc đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối bản địa. Đặc biệt, qua các Tuần lễ hàng Việt có thể khẳng định chưa bao giờ người tiêu dùng nước ngoài được tiếp cận với văn hóa, ẩm thực và hàng hóa Việt Nam nhiều như hiện nay.

Ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, với vai trò “sứ giả kinh tế” trong hội nhập kinh tế quốc tế, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản luôn đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản, thực phẩm của Việt Nam với các nhà nhập khẩu và chuỗi phân phối lớn của Nhật Bản. Đặc biệt, những mặt hàng có chất lượng cao đạt danh hiệu “Thương hiệu quốc gia” đều được Thương vụ tăng cường xúc tiến thương mại tại hoạt động do Thương vụ và đối tác tổ chức.

 

Chính vì vậy, để hàng Việt hiện diện nhiều hơn và được đông đảo người tiêu dùng Nhật đón nhận, ngay từ những tháng đầu năm, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã tham gia lễ khai mạc và tham gia khảo sát, làm việc với các công ty của Nhật Bản trưng bày sản phẩm hàng hóa tại Triển lãm Supermarket Trade Show 2024; Triển lãm quốc tế Thực phẩm - Đồ uống Foodex 2024… Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu hàng hóa có chất lượng của mình tới đối tác mua hàng và người tiêu dùng tại Nhật Bản, để từ đó ký kết được các hợp đồng xuất khẩu có giá trị, đồng thời góp phần quảng bá rộng rãi hàng Việt tại thị trường Nhật Bản.

Tương tự, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam”. Hàng loạt hoạt động đã và đang được tổ chức như đi thăm các kho hàng đầu mối, tổ chức tuần hàng, thử sản phẩm, hội thảo kết nối giao thương, tổ chức đoàn doanh nghiệp về tham dự Hội chợ Nguồn hàng 2024…

Hay tại thị trường Pháp, sau 3 năm triển khai, hàng loạt các Tuần lễ hàng Việt Nam đã có mặt trên khắp nước Pháp thông qua hệ thống đại siêu thị thuộc các Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Pháp là Carrefour, E.Leclerc hay Sys U.

Ông Vũ Anh Sơn - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp chia sẻ, thông qua 2 đại siêu thị lớn nhất tại Pháp là E.leclerc và Carrefour, sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam đã có mặt tại Pháp. Sau đó là các sản phẩm gia vị thương hiệu Dh Foods của Việt Nam cũng đã hiện diện trên đất Pháp thông qua sự mô hình hợp tác ba bên giữa Nhà phân phối bán lẻ/Nhà nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam và cầu nối là Thương vụ Việt Nam tại Pháp.

Với mô hình hợp tác ba bên, hàng hóa Việt Nam sẽ dần được đưa vào thị trường Pháp với thương hiệu của chính doanh nghiệp nước nhà. Không những vậy, đây là cách hữu hiệu nhất để định hướng người tiêu dùng, thay đổi thói quen tiêu dùng của người Pháp, từ đó mở rộng nhu cầu của thị trường với hàng Việt.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù hàng Việt đã xuất khẩu sang nhiều thị trường nhưng để bám rễ sâu doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường khảo sát và phân tích thị trường để nghiên cứu và phát triển sản phẩm có khả năng đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thiết kế và thực hiện chiến lược marketing chuyên biệt với sự tham gia của chuyên gia thị trường sở tại, trong đó cần chú trọng tiếp thị số.

 

Cũng theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần tham gia các hội chợ lớn để giới thiệu sản phẩm và gặp gỡ người mua hàng; thiết lập quan hệ đối tác dài hạn và tin cậy lẫn nhau; liên hệ với Hội Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam tại Anh. Bởi, đây là con đường thuận lợi nhất để đưa hàng Việt lên kệ các siêu thị của người Việt Nam phục vụ cộng đồng người Việt Nam nước ngoài trước rồi từng bước lan tỏa sang các chuỗi siêu thị lớn.

Trong năm 2024 cũng như các năm tiếp theo, để tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt tại Pháp, ông Vũ Anh Sơn khẳng định Thương vụ Việt Nam tại Pháp tiếp tục phối hợp với đối tác để mang lại nhiều hơn nữa sản phẩm thương hiệu Việt Nam tới tay người tiêu dùng bản địa.

Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường, Thương vụ sẽ phối hợp với Vụ châu Âu- châu Mỹ, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, thực hiện các chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế… Mặt khác, chú trọng đẩy mạnh hợp tác các tổ chức xúc tiến thương mại của Pháp nhằm kết nối thông tin, trao đổi nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp các bên.

Ngoài ra, Thương vụ đề xuất thúc đẩy việc hợp tác liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và doanh nghiệp có pháp nhân Pháp và châu Âu do người Việt Nam kinh doanh. Đồng thời, khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải bám sát thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng Pháp nhất là mẫu mã và đóng gói sản phẩm phù hợp với thị trường nước này.

Để hàng Việt thâm nhập sâu vào thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo các đơn vị nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, ý nghĩa, vai trò cũng như sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu, nhất là cấp lãnh đạo doanh nghiệp. Cùng đó, tăng cường  hoạt động, nâng cao năng lực cho về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Ở cấp độ quốc gia, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hoạt động quảng bá, tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Đặc biệt, Bộ cũng sẽ hỗ trợ các hiệp hội xây dựng được chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành, xây dựng và quảng bá những chỉ dẫn địa lý của ngành. Cùng đó, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp có tiềm lực, tiềm năng và khát vọng mang thương hiệu Việt Nam chinh phục thị trường thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục