Tập đoàn BASF dự định cắt giảm sản lượng amoniac

11:35' - 07/08/2022
BNEWS Tập đoàn BASF của Đức, công ty hóa chất lớn nhất thế giới, đang xem xét cắt giảm thêm sản lượng amoniac do giá khí đốt tự nhiên tăng cao.

Hãng tin Reuters dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết BASF có kế hoạch cắt giảm sản lượng amoniac tại cơ sở sản xuất chính ở Ludwigshafen và tại khu phức hợp hóa chất lớn ở Antwerp (Bỉ) vào tháng 9 tới.

 

Theo hai nguồn tin trên, mức sản lượng amoniac của công ty này vẫn đang giảm và có thể thu hẹp hơn nữa, dù BASF vẫn theo dõi chặt chẽ các tác động mang tính dây truyền.

Trước đó, BASF thông báo sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu amoniac trong nước và nhu cầu của khách hàng bên ngoài. Hãng này từ chối tiết lộ thông tin về sản lượng của nhà máy.

Không chỉ BASF, công ty phân bón khổng lồ Yara, điều hành cơ sở sản xuất amoniac lớn thứ 3 của Đức ở thị trấn Brunsbuettel, miền Bắc nước này, cho biết sản lượng của hãng trên toàn châu Âu hiện thấp hơn 27% công suất do giá khí đốt tăng mạnh. Yara không cho biết sản lượng tại Brunsbuettel, song lưu ý cơ sở này không cung cấp CO2 với độ tinh khiết cao.

Trong khi đó, nhà sản xuất amoniac lớn nhất nước Đức SKW cho biết đang trong quá trình khôi phục toàn bộ hoạt động sản xuất sau khi công tác bảo trì theo lịch trình, song khó có thể dự đoán mức công suất trong tương lai.

Amoniac là hợp chất đóng vai trò quan trọng trong sản xuất phân bón, nhựa kỹ thuật và dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel.

Việc sản xuất amoniac cũng tạo ra carbon dioxide (CO2) có độ tinh khiết cao như một sản phẩm thứ yếu, cần thiết cho ngành chế biến thịt và đồ uống có ga.

Các công ty hóa chất là những công ty sử dụng khí tự nhiên công nghiệp lớn nhất ở Đức và amoniac là sản phẩm đòi hỏi nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhất trong ngành này.

Trong khi đó, không giống như nhiều nước châu Âu, Đức không có các bến cảng để nhập khẩu LNG để thay thế đường ống khí đốt của Nga.

Điều đó có nghĩa là các công ty đang chịu áp lực chính trị và thương mại để giảm các hoạt động sử dụng nhiều khí đốt nếu việc cung cấp khí đốt bị cắt giảm hơn nữa.

Ngoài ra, việc các công ty giảm sản lượng amoniac có thể khiến thị phần rơi vào tay các nhà cung cấp nước ngoài với khả năng tiếp cận khí đốt giá rẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục