Tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3

15:31' - 08/09/2024
BNEWS Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đang tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại.
Bão số 3 đã để lại những hậu quả nặng nề sau khi đi qua các tỉnh, thành phố phía Bắc. Đặc biệt tại một số địa phương đã ghi nhận thiệt hại về người. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đang tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; tổ chức thu dọn cây xanh, biển hiệu bị đổ gãy; các công trình bị đổ sập; khôi phục mạng lưới cấp điện và viễn thông... nhằm sớm ổn định đời sống.

* Vĩnh Phúc giải cứu 3 người mắc kẹt trong lũ

Ngày 8/9, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị vừa kịp thời giải cứu được 3 người dân ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo bị mắc kẹt trong lũ.

Theo đó, vào 23 giờ 35 phút đêm 7/9/2024, Công an huyện Tam Đảo nhận được tin báo tại khu đất của ông Đỗ Văn Sỹ, sinh năm 1973, ở thôn Tân Tiến, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo bị ngập úng do dòng nước của con suối bên cạnh tràn vào nhà và bị cô lập hoàn toàn với các khu vực xung quanh. Lúc đó, bên trong căn nhà có 3 người bị mắc kẹt.

Nhận được tin báo, Công an huyện Tam Đảo đã phối hợp Công an xã Đạo Trù và Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ triển khai đội hình cứu nạn cứu hộ và triển khai các biện pháp để trấn an, động viên gia đình. Đến khoảng 5 giờ ngày 8/9, tổ cứu nạn cứu hộ đã giải cứu thành công được 3 người dân bị mắc kẹt ra ngoài và đưa đến nơi an toàn.

Do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra, dọc theo tuyến đường đèo dốc từ km13 - km21 tuyến quốc lộ 2B đường lên thị trấn Tam Đảo đã có hàng trăm m3 đất đá trên núi sạt lở và hàng chục cây lớn bị gãy đổ, trượt xuống chắn toàn bộ làn đường. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt, tổ chức chốt chặn 2 đầu đường lên và xuống, đồng thời xử lý, thu dọn cây đổ, đất đá để đảm bảo thông.

Tính đến sáng 8/9, bão số 3 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tuy không gây thiệt hại về người nhưng làm khoảng 100 nhà dân bị thiệt hại; 10 điểm trường bị tốc mái, hư hại; khoảng 6.500 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, ảnh hưởng; 72 cột điện hạ thế gãy đổ, 16 trạm hạ thế bị hư hỏng; hàng ngàn cây cối, biển quảng cáo bị đổ gãy. Bão số 3 ước gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng 20,6 tỷ đồng.

Hiện, công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 đã và đang được các ngành, địa phương triển khai tích cực. UBND các huyện, thành phố đã chủ động, thực hiện nghiêm "4 tại chỗ"; chỉ đạo dọn dẹp cây đổ, biển quảng cáo, các công trình bị sập, hư hỏng; vệ sinh môi trường; thu hoạch lúa... Các lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác tại các vị trí xung yếu, trọng điểm về thiên tai có nguy cơ thiệt hại...

Tại huyện Vĩnh Tường đã xảy ra mưa lớn kèm theo dông, lốc và gió giật mạnh. Bão số 3 đã làm tốc 40 mái ngói nhà bán kiên cố, tốc mái tôn tại 2 điểm trường xã Phú Đa và  An Tường; gãy, đổ 15 đèn cao áp, 3 cột điện hạ thế…Hơn 1.130 ha lúa, 226 ha rau màu, hơn 100 ha cây ăn quả bị gãy đổ, dập nát; ước khoảng 1.000 cây xanh, cây bóng mát bị gãy đổ.

Trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, có 7 căn nhà kiên cố bị tốc mái, gần 600 cây xanh bị gãy đổ, 13 trạm biến thế và nhiều cột điện bị hư hỏng, nhiều tường rào của nhà dân bị đổ sập… Thành phố cũng kịp thời tổ chức di dời 29 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ước thiệt hại sơ bộ khoảng 3,1 tỷ đồng.

Vĩnh Phúc đang tập trung chỉ đạo các ngành và địa phương triển khai công tác ứng phó với bão, lũ, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở. Tỉnh sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét; có phương án kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, tuyệt đối không cho nhân dân lưu thông qua các điểm ngập úng, các ngầm tràn…

Vĩnh Phúc yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi theo phân cấp quản lý, đặc biệt là các hồ chứa nước nhỏ hiện đang xuống cấp, chịu trách nhiệm nếu ngập úng, mất an toàn công trình, vỡ đập và thiệt hại do chủ quan gây ra. Khẩn trương thu dọn cây xanh bị đổ gãy, biển quảng cáo ngay sau khi bão qua để đảm bảo giao thông thông tuyến....

Một số hồ đập, như hồ Xạ Hương, huyện Tam Đảo; hồ Thanh Lanh, huyện Bình Xuyên; hồ Đại Lải, thành phố Phúc Yên... Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ra lệnh xả tràn và phân công lực lượng trực 24/24 bảo đảm ứng phó trước mọi tình huống....

* Thái Nguyên đã có người bị nước cuốn trôi mất tích

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ rạng sáng đến trưa 8/9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to và rất to; lượng mưa lớn nhất đo được tại Nghinh Tường, Võ Nhai là 75,8mm kèm theo dông, gió giật mạnh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, ước tính thiệt hại ban đầu do bão khoảng hơn 5,4 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 35 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 7 điểm trường bị tốc mái; hơn 470 ha lúa bị ngập, đổ; 37 cột điện bị đổ, hư hỏng; 150m bờ sông tại thành phố Phổ Yên bị sạt lở. Đặc biệt, sáng 8/9, cháu H. G. K (sinh năm 2019, trú tại xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ) bị nước cuốn trôi mất tích. Các lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm.

Tại huyện Đồng Hỷ, mưa lũ đã làm sạt lở ở Khu thượng 7 Mỏ kẽm chì Làng Hích, đường lên xóm Mỏ Ba (xã Tân Long), ngập úng tuyến Quốc lộ 1B thuộc khu vực Tổ dân phố An Thái (thị trấn Hóa Thượng)...

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh Thái Nguyên huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất. Các ban, ngành, đơn vị chức năng triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư ứng trực tại các khu vực cầu tràn, đường tràn bị ngập sâu, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, thu dọn cây đổ, khắc phục sự cố lưới điện kịp thời... Ngành y tế tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 sẵn sàng tham gia ứng cứu khi được điều động, sẵn sàng thu dung cấp cứu nạn nhân do mưa, lũ gây ra; bảo vệ các cơ sở y tế tại vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ, chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất...

* Bắc Giang, một người bị lũ cuốn trôi khi đi qua quốc lộ 31

Ngày 8/9, Công an huyện Lục Ngạn (Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết: Do ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ làm ngập và chia cắt nhiều tuyến đường, trong đó quốc lộ 31 nhiều đoạn ngập sâu, nước chảy xiết nên đã có một người bị lũ cuốn trôi xuống suối khi đang đi trên quốc lộ 31, đoạn qua thôn Đồng Man, xã Biển Động, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Cụ thể, khoảng 3 giờ 30 ngày 8/9/2024, nhận được tin báo của người dân về việc tại khu vực dốc Cầu Lau thuộc thôn Đồng Man, xã Biển Động xảy ra vụ việc ông Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1966, trú tại Biển Dưới, Biển Động, Lục Ngạn) cuốn trôi xuống suối khi đi trên quốc lộ 31. Tổ công tác tìm kiếm cứu nạn của Công an huyện phối hợp với Công an xã Biển Động, Công an xã Tân Hoa tiến hành tìm kiếm. Đến hồi 8 giờ 25 cùng ngày đã tìm thấy thi thể nạn nhân bị cuốn trôi tại thôn Mới, xã Tân Hoa, cách địa điểm cuốn trôi gần 4 km.

Các lực lượng chức năng đã bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình để an táng. Đồng thời, tăng cường bố trí các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ và đặt cảnh báo tại những vùng nguy hiểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục