Tây Nguyên khó thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép

18:12' - 24/11/2016
BNEWS Các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo cho các huyện, các đơn vị chủ rừng, các xã, lực lượng kiểm lâm tiến hành rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép.
Tây Nguyên khó thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép. Ảnh minh họa: Dương Giang - TTXVN
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo cho các huyện, các đơn vị chủ rừng, các xã, lực lượng kiểm lâm tiến hành rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép để xây dựng phương án xử lý giải toả, thu hồi có kế hoạch trồng lại rừng. 

Tuy nhiên, qua thực tế, phần lớn các địa phương, các đơn vị chủ rừng ở Tây Nguyên cũng chỉ mới dừng lại ở việc rà soát, thống kê, chưa thu hồi lại diện tích rừng bị lấn chiếm trái phép bao nhiêu so với yêu cầu. Thậm chí, có nơi, khi tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm trái phép còn xảy ra xô xát, hoặc khiếu kiện kéo dài… 

Tại tỉnh Đắk Lắk, nơi có diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm nhiều nhất với gần 51.000 ha; trong đó có 26.472 ha đất rừng cần phải thu hồi để trồng lại rừng theo Chỉ thị số 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/09/2011 về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Thế nhưng, hiện nay, tỉnh cũng chỉ mới thu hồi chưa đến 600 ha, còn lại chủ yếu là thống kê, lập phương án thu hồi… 

Tại huyện Krông Bông người dân lấn chiếm chiếm dụng trái pháp luật trên 17.000 ha đất rừng nhưng chỉ mới thu hồi được 1,8 ha. Còn ở huyện M’Đ’rắk (Đắk Lắk) đã có 1.247 ha đất rừng bị lấn chiếm nhưng cũng chỉ mới thu hồi được 30 ha…Thậm chí, một số diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép đã thu hồi, các doanh nghiệp đầu tư trồng lại rừng nhưng vẫn bị người dân lén lút phá hoại. 

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh (Đắk Lắk) thu hồi được 106 ha đất rừng chiếm dụng trái phép sau đó đầu tư trồng lại rừng nhưng vẫn bị người dân cản trở, phá hoại hết diện tích rừng mới trồng. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm thu hồi 65 ha đất rừng tại lô 2, lô 3, khoảnh 13 tiểu khu 547A để trồng lại rừng. Sau khi thiết kế trồng lại 34 ha rừng thì bị người dân cản trở, phá bỏ… 

Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, hiện nay, ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng, tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép diễn ra khá phức tạp, các doanh nghiệp, chính quyền cấp xã, chủ rừng không thể giải quyết được do người dân rất manh động, tập trung đông người không hợp tác giải quyết, kéo theo nhiều hệ luỵ xấu trong việc tranh chấp đất đai… 

Theo ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do trong vài năm gần đây tại Tây Nguyên dân số tăng cơ học rất nhanh, chủ yếu là do dân di cư đến ngoài kế hoạch, kéo theo nhu cầu về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp tăng cao. Do vậy, dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng mỏng, yếu, chưa có giải pháp đồng bộ nên chưa ngăn chặn có hiệu quả. Giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời với chủ rừng trong việc ngăn chặn, xử lý các sai phạm về quản lý bảo vệ rừng. Một số chủ rừng, chính quyền địa phương có dấu hiệu buông lỏng quản lý, nhận thức của một bộ phận người dân về pháp luật, về quản lý bảo vệ rừng chưa đầy đủ nên công tác quản lý bảo vệ rừng, tranh chấp đất đai, nhất là đất lâm nghiệp tại một số địa phương còn rất khó khăn, phức tạp. 

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là khôi phục và phát triển rừng bền vững trên địa bàn. Trước mắt, tập trung kiểm tra, xử lý, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân tại những vùng trọng điểm phá rừng. Đồng thời, tổ chức giải toả, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1685; đồng thời, có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng. Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng xử lý nghiêm túc, kịp tời các tổ chức, cá nhân quản lý thiếu trách nhiệm, tiếp tay, tiêu cực để hành vi phá rừng trong thời gian qua, giao trách nhiệm cụ thể bảo vệ rừng cho cấp uỷ, chính quyền cấp huyện, cấp xã có rừng, xử lý nghiêm trách nhiệm khi để mất rừng trái pháp luật…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục