Tha hóa quyền lực nhìn từ Đại án Việt Á- Bài 2: Vòng xoáy quyền, tiền

08:43' - 28/09/2022
BNEWS Vì sao tổ chức Đảng, cán bộ cấp cao của Hải Dương lại bị kỷ luật? Trong khi cách đây chưa lâu, Hải Dương từng là tâm dịch COVID-19 của cả nước.

Mới đây, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025; cách chức Bí thư Tỉnh ủy đối với ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.
Lý do, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; ban hành nhiều văn bản kết luận có nội dung trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thiếu kiểm tra, giám sát, không kịp thời phát hiện các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và nhiều tổ chức đảng, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Phạm Xuân Thăng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Ông Thăng phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; để nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng có quyết định thi hành kỷ luật đối với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2021-2026, nhiệm kỳ 2016-2021 và nhiều lãnh đạo tỉnh này, trong đó có Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng.
Nhưng vì sao tổ chức Đảng, cán bộ cấp cao của Hải Dương lại bị kỷ luật? Sao lỗi lại là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc cơ bản trong 5 nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt Đảng, nguyên tắc căn bản chi phối các nguyên tắc khác? Trong khi cách đây chưa lâu, Hải Dương từng là tâm dịch COVID-19 của cả nước. Đợt đầu vào tháng 8/2020, các ca nhiễm khiến tỉnh phải quyết định phong tỏa thành phố Hải Dương. Đợt hai từ tháng 1 đến đầu tháng 2/2021, chủ yếu xảy ra trong khu công nghiệp, toàn tỉnh phải phong tỏa dập dịch.
Trong đợt hai này, tại Hải Dương, hàng nghìn người ngày đêm lăn lộn từng nhà, trong bệnh viện dã chiến, nơi cơ sở cách ly và cả những chốt trên đường… để chống chọi bão dịch COVID-19. Thời điểm đó, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh này đang đi dự Đại hội Đảng toàn quốc XIII "đã báo cáo với tổ chức xin dừng tham dự, trở về Hải Dương để trực tiếp dập dịch". Hải Dương khi đó từng được ca ngợi rất "quyết tâm, mau lẹ" trong chống và khống chế đại dịch!

Câu hỏi tưởng như khó trả lời nhưng không phải vậy! Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra quyết định kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên là dựa trên đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Mà qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương có những dấu hiệu vi phạm nêu trên, "nhất là việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á độc quyền bán bộ kit xét nghiệm và tham gia xét nghiệm trái quy định". Trong vi phạm nêu trên, có trách nhiệm của ông Phạm Xuân Thăng và một số lãnh đạo khác của tỉnh Hải Dương.
Lỗi của các tổ chức, cá nhân này, theo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, là "đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, người dân và xã hội; để xảy ra vụ án tham nhũng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Các vi phạm gây dư luận xấu, làm mất uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương và từng cá nhân".
Trước những khuyết điểm, vi phạm hết sức nghiêm trọng này, ngày 17/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã quyết định thực hiện các biện pháp tố tụng đối với ông Phạm Xuân Thăng để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Vậy nguyên nhân, cái lỗi lớn ở đây là cấu kết, tạo điều kiện cho "con virus" Việt Á hoành hành. Nghĩa là đã trong vòng xoáy của sự "bắt tay" giữa quyền lực với đồng tiền. Vụ đại án bị lật tẩy chính từ hai chân rết đầu tiên là Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và CDC Hải Dương. Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á có Giám đốc là Phan Quốc Việt cùng một số nhân viên bị tra tay vào còng. Còn Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương là Giám đốc Phạm Duy Tuyến và một số nhân viên bị bắt.

Cũng từ hai nơi này mà những kẻ đồng lõa dần dần lộ diện với quy mô rộng lớn và mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Đến cuối năm 2021, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm COVID-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu được gần 4.000 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng đang làm rõ việc ăn chia phần trăm hoa hồng lên tới hàng chục tỷ đồng của cán bộ trong ngành y tế, gây chấn động dư luận. Như Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã chia sẻ với báo giới: "Vụ Việt Á, họ rất nhiều tiền. Đối tượng khai kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ và bôi trơn khoảng 800 tỷ đồng. Đây là kênh để nhà điều tra tìm ra".
Tìm ra, xác định được bản chất sự việc và chứng minh tội phạm thuộc về trách nhiệm của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, từ lâu dư luận đã băn khoăn về các nhánh sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á ở địa phương. Ai cũng hiểu, cũng biết rằng các CDC nằm trong sở y tế, mà các sở này chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, ủy ban nhân dân. Ở cấp thấp như vậy, CDC liệu có tự quyết mua sắm với Việt Á? Băn khoăn này phải đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, công bố những sai phạm của người đứng đầu của Hải Dương mới giải đáp được.

Trở lại với những khuyết điểm hết sức nghiêm trọng của tổ chức đảng, đảng viên ở Hải Dương liên quan đến đại án Việt Á, trong đó có lỗi "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ" như trên đề cập. Cần nhớ, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ được hiểu giản dị là, tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Lãnh đạo không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc.
Trung ương thời gian qua cũng nhiều lần nhắc nhở, việc xem nhẹ, hạ thấp cũng như nhận thức không thấu đáo, thực hiện không đến nơi đến chốn nguyên tắc này không chỉ làm tổn hại đến uy tín, sức mạnh của Đảng, mà còn là một trong những căn nguyên dẫn đến sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Cho nên, trước dấu hỏi về tổ chức đảng ở cơ sở tại những nơi để "mất" cán bộ do bắt tay với Công ty Việt Á, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chua xót nói: "Điều này rất đáng buồn và cho thấy rõ trách nhiệm, lỗ hổng trong công tác giám sát, quản lý của các tổ chức đảng ở cơ sở. Thậm chí có những tổ chức đảng đã mất sức chiến đấu, không thực hiện nghiêm nguyên tắc phê bình, tự phê bình, tập trung dân chủ"./.
>>Bài 3: Liên minh lợi ích nhóm - Liên minh ma quỷ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục