Thách thức và giải pháp khi phát triển nguồn tài chính xanh ở các nước mới nổi

06:30' - 28/04/2023
BNEWS Biến đổi khí hậu sẽ có thể đặt ra những thách thức lớn về chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính và nợ mà các nước thành viên IMF phải đối mặt trong những thập kỷ tới.

 Tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp cho biết Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân đối với trái phiếu xanh ở các nước mới nổi, một thị trường được đánh giá là nhiều tiềm năng, nhưng cũng lắm thách thức.

Tại lễ khai mạc Diễn đàn Cartac vào tháng 2/2023 vừa qua, Tobias Adrian, Cố vấn Tài chính của IMF và là Trưởng phòng Thị trường Vốn và Tiền tệ của tổ chức này, cho rằng: "Biến đổi khí hậu sẽ có thể đặt ra những thách thức lớn về chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính và nợ mà các nước thành viên IMF phải đối mặt trong những thập kỷ tới. Đối phó với thách thức này sẽ đòi hỏi sự gia tăng lớn và chưa từng có trong đầu tư toàn cầu dành cho thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Rất may là với tốc độ đầu tư 630 tỷ USD mỗi năm như hiện nay, quá trình tăng tốc này đã bắt đầu".

Theo quan điểm của ông, các quốc gia mới nổi đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những thách thức này khi thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Trong các báo cáo gần đây của IMF, các đặc điểm và thách thức khác nhau của thị trường trái phiếu xanh ở các nước mới nổi đã được đề cập đến. Đó là các trái phiếu, chính là các khoản vay, được phát hành trên thị trường với mục đích đầu tư cho một dự án góp phần vào quá trình chuyển đổi sinh thái.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia mới nổi không có đủ ngân sách cần thiết để đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng các nhà đầu tư tư nhân dường như đóng một vai trò quan trọng. Kể từ khi Ba Lan phát hành trái phiếu xanh đầu tiên vào năm 2016, cơ chế này đã phát triển tốt. Trong một ấn phẩm gần đây của mình, Rohit Goel, Deepali Gautam và Fabio Natalucci thuộc IMF đã chỉ ra rằng năm 2021 đánh dấu một bước ngoặt trong lĩnh vực này.

Cụ thể là các quốc gia mới nổi đã phát hành tổng cộng 103 tỷ USD trái phiếu xanh vào năm 2021, gấp 2,5 lần mức trung bình của 5 năm trước. Trung Quốc là nước đóng vai trò quan trọng, là nước phát hành trái phiếu lớn thứ hai trong phân khúc này tính theo tỷ lệ phần trăm GDP (xấp xỉ 2%), chỉ sau Chile (gần 4%). Các trái phiếu mà Trung Quốc phát hành chủ yếu bằng đồng USD, euro hoặc nhân dân tệ. Năm 2021 nước này phát hành nhiều trái phiếu bằng đồng USD, nhưng tỷ lệ đồng nhân dân tệ vẫn là lớn nhất. Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Chile, Peru và Mexico cũng là những nước phát hành nhiều trái phiếu bằng đồng USD. Còn Malaysia, Colombia và Nam Phi lại ưu tiên đồng nội tệ hơn.

Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc, việc phát hành trái phiếu của lĩnh vực tài chính vẫn là chủ yếu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tỷ lệ phát hành liên quan đến các lĩnh vực khác đã tăng lên đáng kể. Phát hành trái phiếu chính phủ cũng đạt tỷ lệ 60% trong giai đoạn 2019-2021 (so với 40% trong giai đoạn 2016-18).

*Những sáng kiến thúc đẩy đầu tư

Nhận thức rõ về tính tất yếu của quá trình chuyển đổi năng lượng, các nhà đầu tư hiện đang tỏ ra quan tâm mạnh mẽ đối với trái phiếu xanh, hay rộng hơn là các khoản đầu tư có tác động ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Những tài sản này mang lại lợi nhuận rất đáng kể, thường vượt lợi nhuận của tài sản chuẩn (kể từ năm 2019, thêm 1,5- 2,1 điểm phần trăm).

Nhìn tổng thể, chúng ta có thế thấy có nhiều yếu tố quyết định sự di chuyển của dòng vốn. Có cái gọi là lực đẩy hay các yếu tố bên ngoài, trong đó có nhu cầu của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm sự đa dạng hóa và lợi nhuận. Ngoài ra, còn có các yếu tố lực kéo, mang tính nội tại ở mỗi quốc gia, thể hiện trước hết bằng hiệu quả của các nước mới nổi trong việc điều hòa các rủi ro liên quan.

Hiện rất nhiều câu hỏi liên quan đến chủ đề này đang được các nhà đầu tư đặt ra: Liệu các dự án xanh, hoặc mong muốn phát triển các dự án này của các quốc gia mới nổi có thể thu hút được vốn nước ngoài trong dài hạn hay không? Liệu lực kéo của các nước này có đáng tin cậy không? Các quốc gia mới nổi có khả năng triển khai các dự án dài hạn như vậy không? Liệu việc đầu tư có rủi ro không? Một điều rõ ràng là mặc dù lợi suất ngắn hạn của trái phiếu xanh rất cao, nhưng tính dài hạn vẫn là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong phân khúc này.

Có nhiều sáng kiến đã được đưa ra để thu hút đầu tư. Ví dụ, vào năm 2018, Amundi kết hợp với Tập đoàn Tài chính Quốc tế, một đối tác của WB, đã tạo ra một quỹ trái phiếu xanh được phát hành ở một số quốc gia mới nổi. Với tên gọi Amundi Planet Emerging Green One, quỹ này đang nhắm mục tiêu đầu tư khoảng hai tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia mới nổi và đa dạng hóa môi trường đầu tư. Một khung tham chiếu cũng được xây dựng với sự giám sát của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á, để đánh giá hiệu quả thực hiện của các tổ chức phát hành trái phiếu đối với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Một trong số các thách thức đó là trong bối cảnh việc thu hút nguồn vốn ngoại tệ đang gặp khó khăn thì thị trường nợ bằng đồng nội tệ vẫn phải được phát triển. Có hai lý do giải thích khó khăn này. Một mặt, đó là sự chưa hoàn thiện của thị trường tài chính, thiếu các công cụ để bù đắp rủi ro (rủi ro từ người đi vay, rủi ro từ tỷ giá hối đoái) và chi phí giao dịch cao (đây là những chi phí bổ sung trên giá của trái phiếu). Mặt khác, chất lượng kém của thể chế, bất ổn kinh tế vĩ mô, biến động tỷ giá hối đoái cao hoặc lạm phát cao, sẽ không tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Đó là chưa kể sự phát triển của thị trường tài chính nói chung vẫn còn yếu ở các nước mới nổi.

Một thách thức khác nằm ở việc công bố số liệu chất lượng. Làm thế nào để nhà đầu tư biết sản phẩm tài chính hoặc hoạt động của công ty là "xanh" và "xanh" đến mức nào? Trong trường hợp này, độ tin cậy của thông tin là điều cần thiết. Công ty phát hành trái phiếu thường biết rõ hơn nhà đầu tư về tác động khí hậu có được từ các dự án. Do đó, các nhà đầu tư thường bị rơi vào tình huống được gọi là “Bất tương xứng về thông tin”, trong khi họ cũng cần thông tin để đánh giá đúng giá trị tài sản và rủi ro khi đặt tiền vào đầu tư, đặc biệt là ở các quốc gia mới nổi.

Về vấn đề này, các cơ quan xếp hạng, chẳng hạn như JPMorgan hoặc Standard & Poor's, đang ngày càng tích hợp điểm số ESG trong việc xác định bảng xếp hạng dự án xanh. IMF cũng cho rằng họ có vai trò hỗ trợ các quốc gia thiết lập một hệ thống thông tin đáng tin cậy về biến đổi khí hậu và tài sản xanh. Do đó, điều kiện đi kèm với các khoản tín dụng cấp cho các quốc gia gặp khó khăn về kinh tế có thể bao gồm cả các cam kết về chính sách kinh tế vĩ mô đối với khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục