Thách thức về nông nghiệp sạch - Bài 2: Gỡ "nút thắt" cho nông sản Việt

12:15' - 27/09/2018
BNEWS Để phát triển nền sản xuất nông nghiệp sạch, tỉnh Trà Vinh cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như xóa bỏ phương thức sản xuất kiểu cũ, nhỏ lẻ, manh mún.

Xác định nông nghiệp là nền kinh tế chủ lực bởi toàn tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 186.000 ha đất nông nghiệp, chiếm 79% diện tích đất tự nhiên.

Ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Chính vì vậy, việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 nhằm thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, giúp nông dân sản xuất bền vững và tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Tuy nhiên, điều bất hợp lý hiện nay là trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng luôn có nhu cầu sử dụng nông sản sạch nhưng khi nông dân trong tỉnh trồng lúa hữu cơ, rau màu sạch…lại chưa tìm được thị trường tiêu thụ bền vững, khiến việc vận động nông dân sản xuất an toàn gặp khá nhiều khó khăn.

Để phát triển nền sản xuất nông nghiệp sạch, tỉnh Trà Vinh cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như xóa bỏ phương thức sản xuất kiểu cũ, nhỏ lẻ, manh mún.

Do vậy, tỉnh cần tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nên tập trung tổ chức lại sản xuất, thực hiện tốt quy hoạch, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất một cách bền vững; thực hiện các chính sách khuyến khích nông dân tham gia cánh đồng lớn các loại nông sản an toàn để thu hút doanh nghiệp liên kết cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh cho rằng: Một trong những khó khăn hiện nay đối với ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh là do sản xuất nhỏ lẻ nên rất khó áp dụng cơ giới hoá, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Từ đó, chi phí sản xuất hàng nông sản ở Trà Vinh cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới nên rất khó đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Nông sản an toàn ở địa phương cũng vậy vì giá thành cao, mẫu mã không bắt mắt nên hiện nay chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa. Theo ông Nghĩa, để hàng nông sản nói chung, nông sản an toàn nói riêng ở Trà Vinh tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nông dân cần thay đổi tập quán canh tác để giảm giá thành như: chuyển đổi từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, từ hộ nông dân sang hợp tác xã, từ thủ công sang cơ giới hoá. Đặc biệt, là tham gia mô hình cánh đồng lớn… để dễ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá, và dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh sẽ phối hợp với các Viện, trường nghiên cứu tìm kiếm các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân địa phương nâng cao giá trị hàng hoá, giảm chi phí sản xuất.

Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ rau sạch (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) cho biết, giá thành sản xuất rau an toàn ở Trà Vinh khá cao, mẫu mã không đẹp nên hiện nay rất khó cạnh tranh với rau an toàn tại các tỉnh, thành trong khu vực.

Do vậy, ông Lê Ngọc Minh hy vọng các ngành chức năng trong tỉnh hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật để giảm giá thành; hỗ trợ bao bì, nhãn mác truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị hàng hoá.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra và vận động các bếp ăn tập thể trong tỉnh sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Mặt khác, liên kết chặt chẽ, đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp được xem là yếu tố then chốt để giải quyết đầu ra cho hàng nông sản an toàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian qua, đa phần nông sản an toàn của Trà Vinh chủ yếu do thị trường điều tiết, rất ít doanh nghiệp kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, các doanh nghiệp ở Trà Vinh đa phần ở quy mô vừa và nhỏ, thiếu doanh nghiệp có năng lực tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, mà chủ yếu liên kết để bán vật tư đầu vào. Trong khi đó, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này gặp khá nhiều khó khăn do hiệu quả không cao.

Thời gian qua, ngành công thương tỉnh Trà Vinh rất tích cực xây dựng chuỗi cửa hàng bán nông sản an toàn để người tiêu dùng được tiếp cận thực phẩm sạch; đồng thời, giúp nông dân sản xuất an toàn có thị trường bền vững. Hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được 13 cửa hàng, 1 chợ phiên bán nông sản, thực phẩm an toàn. Đặc biệt, Sở Công Thương cũng vừa triển khai mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” tại phường 6, thành phố Trà Vinh.

Theo bà Huỳnh Bích Như, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, hiện nay thị trường nông sản sạch ở Trà Vinh vẫn chưa thực sự ổn định và bền vững. Nguyên nhân là các doanh nghiệp và hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch còn nhỏ lẻ, năng lực sản xuất còn hạn chế, chưa kiểm soát tốt chi phí đầu vào dẫn đến sản phẩm đầu ra giá thành còn cao. Mặt khác, chưa xây dựng được nhãn hiệu và thương hiệu để tạo lòng tin với khách hàng nên chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Cùng với đó là nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, thích mua sản phẩm nông sản giá rẻ và chưa quen sử dụng các sản phẩm hữu cơ. Bởi giá nông sản hữu cơ, nông sản sạch còn cao mà thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh tương đối thấp nên việc thay đổi thói quen tiêu dùng cũng còn nhiều khó khăn.

Do vậy, bên cạnh việc rà soát, sửa đổi các chính sách để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp sạch, tỉnh Trà Vinh cần tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức lựa chọn nông sản sạch, sản phẩm hữu cơ.

Ngoài ra, theo bà Huỳnh Bích Như tỉnh cũng cần ban hành quy hoạch hay định hướng các mặt hàng chủ lực cũng như thị trường cho sản phẩm hữu cơ.

Thống kê cho thấy, tỉnh Trà Vinh có khoảng 74.000 ha đất sản xuất 3 vụ lúa trong năm, hơn 26.000 ha trồng màu, cây công nghiệp và hơn 35.000 ha nuôi trồng thủy sản. Nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh mới xây dựng được 142 ha sản xuất rau an toàn, khoảng 150 ha lúa hữu cơ và hơn 100 ha các loại cây ăn trái được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP.

Để nông sản sạch có thị trường ổn định và bền vững, nông dân sản xuất an toàn ở Trà Vinh đang mong đợi ngành chuyên môn thắt chặt mối liên kết “4 nhà”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục