Thái Nguyên: Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại nhiều địa phương

21:34' - 12/11/2020
BNEWS Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại tại huyện Định Hóa, thị xã Phổ Yên và thành Sông Công của tỉnh Thái Nguyên.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy số lợn bị dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN
Tính đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã tiêu hủy 253 con lợn với tổng trọng lượng 9.646 kg của 45 hộ chăn nuôi. Trong đó, thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công là địa phương được nhận định có tình hình dịch phức tạp nhất.

Cụ thể, tại huyện Định Hóa, dịch phát sinh từ ngày 3/11 tại 1 hộ chăn nuôi của xã Phú Đình. Hiện ổ dịch này đã đủ 27 ngày không phát sinh thêm lợn chết. Còn tại thị xã Phổ Yên, từ ngày 3/11 đã xuất hiện tình trạng lợn ốm, chết rải rác tại một số hộ chăn nuôi thuộc xã Minh Đức, Nam Tiến, Đông Cao. Lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương và đã có 5 mẫu dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi, trong đó xã Đông Cao có 2 mẫu, Nam Tiến 2 mẫu và Minh Đức 1 mẫu.

Tại thành phố Sông Công, dịch xuất hiện từ ngày 8/11 tại 1 hộ thuộc xã Bình Sơn. Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên nhận định tình hình dịch đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan rất cao, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết, khí hậu giao mùa, mưa rét, bão lũ…

Ngoài ra, đàn lợn nuôi tại nông hộ, nhỏ lẻ chưa áp dụng được đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, việc vận chuyển, buôn bán con giống để vào đàn mới nhằm cung ứng nguồn thực phẩm trong dịp cuối năm gia tăng… nên nguy cơ dịch bệnh tái phát trở lại và lây lan trên diện rộng trong thời gian tới rất cao.

Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch như: hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại; thực hiện phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch với cường độ cao; chủ động mua vôi bột rắc xung quanh khu vực chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh…

Đồng thời, thực hiện công bố dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn các xã có dịch. Tổ chức giám sát chặt chẽ ổ dịch, kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và tổ chức hiện các biện pháp phòng, chống dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục