Thắng giặc năm xưa, thắng đói nghèo hôm nay​

18:11' - 24/07/2019
BNEWS Trở về sau những năm tháng quân ngũ, nhiều cựu chiến binh đã giúp gia đình cải thiện cuộc sống nhờ nguồn vốn chính sách.
Thắng giặc năm xưa, thắng đói nghèo hôm nay. Ảnh: NHCSXH

Hơn 10 năm nay, nhờ sự kiên trì, nỗ lực học hỏi, ông Nguyễn Văn Lý, cựu chiến binh ở thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang (Hà Giang) đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, trong khó khăn của những ngày đầu khởi nghiệp, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hỗ trợ tích cực để gia đình ông Lý đầu tư mở rộng sản xuất.

Ông Lý chia sẻ: “Sau khi rời quân ngũ trở về, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, vất vả do không có vốn trong tay. Với suy nghĩ “Thắng giặc năm xưa, thắng đói nghèo hôm nay”, tôi đã quyết tâm tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi trong địa phương và được Hội Cựu chiến binh huyện cho tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật".

Nhận thấy lợi thế về đất đai có thể phát triển kinh tế theo mô hình tổng hợp là chăn nuôi lợn kết hợp trồng rau và thả cá, nhất là được Hội Cựu chiến binh đứng ra tín chấp, ông Lý đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để bắt tay vào thực hiện kế hoạch của mình.

Tuy nhiên, thời gian đầu thu nhập chỉ tạm đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Không chịu dừng lại, ông Lý tiếp tục mở rộng mô hình thả cá lấy thịt, nuôi cá giống và đến nay phát huy hiệu quả rõ rệt.

Ngoài phấn đấu làm giàu cho gia đình, ông Nguyễn Văn Lý còn hướng dẫn bà con trong thôn cùng thoát nghèo thông qua việc tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả; đồng thời tuyên truyền cách chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Với bản chất người lính bộ đội Cụ Hồ, ông Ksor Kia (thương binh 1/4) ở tổ dân phố 7, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum cũng đã trở thành tấm gương điển hình trong việc sử dụng hiệu quả tín dụng chính sách để vươn lên làm giàu. 

Trở về địa phương sau những năm tháng tham gia quân ngũ, cuộc sống gia đình ông hết sức khó khăn, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống. Không cam chịu trước đói nghèo, năm 2016, ông đã vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển chăn nuôi.

Nhờ cần cù, chịu khó khai khẩn, cải tạo đất đồi để trồng cà phê, tiêu, chăn nuôi lợn, gà, đến nay gia đình ông Ksor Kia đã có 2ha cà phê, 1ha tiêu và hàng trăm con lợn, gà. Gia đình ông đã thoát khỏi khó khăn, có của ăn, của để.

Ông Võ Thanh Chín, Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Kon Tum cho biết: Để giúp các hội viên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, học tập các mô hình phát triển kinh tế. Tính đến 30/6/2019, toàn tỉnh Kon Tum đã có trên 1.460 hội viên Hội Cựu chiến binh thoát nghèo, giảm 80% so với năm 2015.

Hiện nay, Hội Cựu chiến binh là một trong 4 tổ chức Hội được Ngân hàng Chính sách Xã hội ủy thác để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng với chất lượng tốt, chi phí thấp.

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Đạo, hoạt động ủy thác cho vay được xác định là việc quan trọng của Hội, giúp các cựu chiến binh có điều kiện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Những năm qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam vẫn luôn trăn trở tìm các giải pháp để thực hiện tốt nhất các hoạt động cho vay ủy thác. Từ những hoạt động thiết thực và ý nghĩa này đã giúp cho hội viên thấy được vị trí, vai trò của tổ chức Hội, tin cậy Hội, tìm đến Hội để phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tính đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội ủy thác qua Hội Cựu chiến binh đạt trên 32 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,37% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tăng gần 2.013 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Hiện nay, Hội Cựu chiến binh đang quản lý 31.158 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 1 triệu hộ vay; 99,94% số Tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 1.476 tỷ đồng, tăng 99,4 tỷ đồng so với năm 2018.

Bằng các nguồn vốn huy động cùng với vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải quyết cho 68.650 lao động và việc làm cho hội viên Cựu chiến binh. Trong 6 tháng đầu năm 2019, giảm được 12 nghìn hộ cựu chiến binh nghèo, hơn 11 nghìn hộ cựu chiến binh cận nghèo, xóa được gần 3 nghìn căn nhà dột nát, tạm bợ…

Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh còn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội và các hội, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong việc tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội Cựu chiến binh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp hội tiếp tục nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách, tác hại của “tín dụng đen”.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Bùi Quang Vinh cho biết, trong thời gian tới Hội Cựu chiến binh các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các đơn vị có chất lượng tín dụng chưa đạt yêu cầu.

Đặc biệt, chuẩn bị cho hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng, Hội Cựu chiến binh phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về nguồn vốn, tăng trưởng dư nợ, chất lượng hoạt động tín dụng./.

>> Trong 6 tháng, có hơn 1,1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn chính sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục