Thanh Hóa tăng cường phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn

11:19' - 10/06/2017
BNEWS Khi giá lợn hơi rớt mạnh, nhiều hộ và cơ sở chăn nuôi không chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn lợn và làm giảm sức đề kháng trên lợn.
Thanh Hóa tăng cường phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn. Ảnh: TTXVN

Trước thực trạng giá thịt lợn hơi giảm thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và nguồn cung đang lớn hơn nhiều so với nhu cầu của thị trường đã dẫn tới thực trạng nhiều hộ và cơ sở chăn nuôi không chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn lợn và làm giảm sức đề kháng trên lợn. Bên cạnh đó còn vứt xác lợn ốm, lợn chết ra môi trường công cộng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc; trong đó, quan tâm đặc biệt đến đàn lợn đã đến thời điểm xuất chuồng.

Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại địa phương về nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc như lở mồm long móng ở gia súc, dịch tai xanh ở lợn, dịch tả ở lợn… cũng như tác hại lâu dài về kinh tế, môi trường nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Qua đó, khuyến cáo người chăn nuôi báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành thú y nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ dịch bệnh trên gia súc, không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc mắc bệnh, chết…

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc để xử lý kịp thời, bảo đảm không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Ngành nông nghiệp đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng định kỳ, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc theo quy định. Các địa phương cũng quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ động vật bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay tổng đàn lợn đến thời điểm xuất chuồng của tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 344 nghìn con; trong đó, lợn nái hơn 88 nghìn con; lợn thịt gần 256 nghìn con.

Để giải cứu cho người chăn nuôi và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Công ty TNHH Hoa Mai (thôn Quỳ Chữ, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa) và Công ty Cổ phần Chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa (phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) tăng cường thu mua lợn sữa, lợn thịt để chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và dự trữ cấp đông, nhằm tiêu thụ nguồn lợn thịt đang tồn đọng trên thị trường Thanh Hóa.

Sở cũng kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bằng những cách làm cụ thể thiết thực cùng chung tay “giải cứu” người chăn nuôi lợn…

Đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người chăn nuôi đã được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi về vốn, thức ăn… và đang từng bước vượt qua thời điểm khó khăn, ông Thái cho biết/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục