Tháo gỡ giá dịch vụ khai thác tối đa giá trị công trình thủy lợi

14:39' - 02/11/2023
BNEWS Các công ty khai thác công trình thủy lợi ngoài phục vụ công ích, muốn hoạt động tốt, nâng cao đời sống người lao động thì phải có các dịch vụ khác.

 

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 2/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp kỳ vọng việc sửa đổi Nghị định số 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi sẽ giải quyết được vấn đề về giá dịch vụ đối với công trình thủy lợi; khi đó, địa phương sẽ tự ban hành giá và sẽ không phải thông qua các bộ, ngành.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Luật Thủy lợi cùng Luật Giá khi ban hành với kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động tự chủ, xã hội hóa tại các công ty khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do quy định pháp luật chưa đáp ứng được dẫn đến còn nhiều vướng mắc trong thực thi.

“Hiện nay, thủy lợi được miễn phí nên nhà nước chỉ cấp bù một phần. Câu chuyện hỗ trợ một phần, trong khi tính toán thì doanh nghiệp phải có giá nên đang gây khó khăn cho hoạt động các công ty thủy lợi”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, các công ty khai thác công trình thủy lợi ngoài phục vụ công ích, muốn hoạt động tốt, nâng cao đời sống người lao động thì phải có các dịch vụ khác. Để thu được dịch vụ khác như du lịch, điện mặt trời, cấp nước sinh hoạt, hay thoát nước thải… thì được cần tính đúng, tính đủ. Khi Nghị định 96 được sửa đổi, UBND tỉnh có quyền tự ra quyết định thì các công ty có thể thu được các loại hình dịch vụ thủy lợi khác. Qua đó sẽ thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi. Thủy lợi sẽ chuyển từ phục vụ sang dịch vụ, góp phần thu hút đầu tư vào thủy lợi.

Với hàng chục nghìn công trình thủy lợi các loại, hiện các công trình đang đảm bảo cấp nước cho khoảng 4,28 triệu ha/6,25 triệu ha đất nông nghiệp cần tưới (chiếm 68,48%); riêng tưới cho lúa đã đảm bảo đạt 95%. Các công trình cũng cung cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, kiểm soát mặn, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất…

Tuy nhiên, đa số tổ chức khai thác công trình thủy lợi chỉ có nguồn thu chủ yếu từ ngân sách nhà nước, một số đơn vị chỉ có duy nhất nguồn ngân sách nhà nước cấp như: Hà Giang, Lào Cai, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Nam Định... và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn thu từ cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác còn hạn chế.

 

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi, sau hơn 5 năm triển khai chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, kết quả đạt được rất hạn chế, quy định chưa phù hợp, thủ tục rườm rà. Một số địa phương như: Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Gia Lai, Bình Dương, Long An... xây dựng phương án giá từ năm 2019 nhưng đến nay chưa được ban hành, thủ tục hành chính phức tạp, văn bản qua lại giữa các cơ quan, đơn vị rất nhiều lần. Cơ quan chức năng quá chậm trễ trong việc ban hành các mức giá nên đơn vị khai thác thủy lợi mất nhuệ khí để tập trung xây dựng phương án giá, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành giá, làm cơ sở thu tiền của các đối tượng.

Quy định về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi nói riêng và quản lý tài sản công nói chung chưa rõ ràng, thống nhất với quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện để doanh nghiệp liên doanh, liên kết khai thác, sử dụng tài sản công hiệu quả.

Thực trạng hiện nay, tình hình tài chính của các đơn vị khai thác thủy lợi rất khó khăn. Nguồn thu chủ yếu từ ngân sách trung ương cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, với mức hỗ trợ được quy định từ năm 2012 đến nay không thay đổi,

Việc này đã dẫn tới các đơn vị khai thác công trình thủy lợi phải ưu tiên đảm bảo nội dung chi cần thiết, cấp bách nên công trình không được bảo trì kịp thời, không có kinh phí để hiện đại hóa công trình đáp ứng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đời sống người lao động khó khă; không thể thu hút đối tượng khác tham gia cùng với nhà nước vào đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Hay các công trình thuỷ lợi đã được đầu tư xây dựng mới phát huy được khoảng 80% năng lực theo thiết kế. Còn nhiều hệ thống công trình thuỷ lợi chưa được khép kín, hoàn thiện, dẫn đến hiệu quả của công trình thuỷ lợi đầu mối chưa cao, ông Nguyễn Hồng Khanh cho hay.

Ông Nguyễn Hồng Khanh cho rằng, để giảm bớt sự bao cấp của nhà nước đối với ngành thuỷ lợi đòi hỏi người dân, doanh nghiệp cùng đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình. Do đó, quy định pháp luật cho xã hội hoá, đầu tư công tư (PPP) thủy lợi cần được quy định đầy đủ, rõ ràng tạo sự chú ý của xã hội.

Ông Nguyễn Hồng Khanh kiến nghị, Bộ Tài chính nghiên cứu tăng mức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đã thực hiện từ năm 2013 đến nay. Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan liên quan thuộc Bộ đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan tới tài chính, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, cơ chế tài chính thúc đẩy cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác và xã hội hoá, PPP thủy lợi… làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục