Tháo gỡ khó khăn trong xử lý mua bán, vận chuyển thuốc lá lậu

10:26' - 06/06/2017
BNEWS Theo Đại tá Lê Văn Hòa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh.
Cần tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý các vụ mua bán, vận chuyển thuốc lá lậu. Ảnh minh họa: TTXVN

Các đối tượng đã xé lẻ hàng hóa, vận chuyển thuốc lá lậu bằng xe ô tô, mô tô phân khối lớn về Bến Tre để tiêu thụ, các đối tượng sẵn sàng liều lĩnh bỏ chạy với tốc độ cao khi bị lực lượng chức năng phát hiện.

Ngoài ra, hiện chưa có giải pháp hữu hiệu để đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng vẫn sử dụng phương thức vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu bằng xe khách, do bất cập quy định của pháp luật.

Theo quy định, người vận tải không phải có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, hành lý của khách, do vậy khi lực lượng chức năng phát hiện, không có căn cứ để xử lý người vận chuyển, chỉ xử lý hàng hóa vô chủ theo quy định của pháp luật. Hiện nay, kẽ hở này bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động ngày càng phổ biến.

Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Công an tỉnh Bến Tre đã phát hiện, làm rõ 110 vụ (hàng vắng chủ 8 vụ) vận chuyển, mua bán thuốc lá ngoại nhập lậu, tịch thu trên 81.000 bao thuốc lá, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 102 vụ với 102 đối tượng (đã thực hiện đóng phạt 56 vụ với 56 đối tượng với số tiền trên 1 tỷ đồng).

Tuy nhiên, nhiều đối tượng nhận quyết định xử phạt hành chính nhưng không đóng phạt hoặc chưa thực hiện do không có khả năng đóng phạt. Số vụ hàng hóa vắng chủ không ra quyết định xử phạt được vì không xác định được chủ sở hữu.

Hiện nay, nhiều vụ mua bán, vận chuyển thuốc lá lậu trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn chưa bị xử lý hình sự do vướng mắc luật.

Theo Luật Thương mại 2005, thuốc lá điếu nhập ngoại không có nguồn gốc là hàng cấm.

Hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) lại quy định thuốc lá điếu nhập ngoại là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Với loại hàng hóa này, hàng hóa vi phạm phải có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên (khoảng trên 14.000 bao thuốc lá) mới bị xử lý hình sự.

Liên quan đến việc xử lý hành vi mua bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập ngoại, Đại tá Lê Văn Hòa cho biết: Theo Bộ Luật Hình sự, các hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu qua biên giới, nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 153 (tội buôn lậu), Điều 154 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới) phải xét xử kịp thời. Hành vi vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa đang khá phổ biến nhưng lại không bị xử lý hình sự.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục