Thế giới đã có gần 70 triệu người mắc COVID-19 được chữa khỏi

08:35' - 21/01/2021
BNEWS Theo số liệu thống kê mới nhất, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang tăng với tốc độ chóng mặt trên thế giới, một phần do sự xuất hiện của biến thể virus đến từ Anh đã lan sang 60 quốc gia.

Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 8h ngày 21/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 97.266.459 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.081.178 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là gần 70.000.000 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 415.534 ca tử vong trong tổng số gần 25.000.000 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 152.906 ca tử vong trong số 10.611.719 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 212.893 ca tử vong trong số 8.639.868 ca nhiễm.

Xét về khu vực, Bắc Mỹ vẫn là khu vực có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới, với 28.520.048 ca nhiễm virus và 598.770 ca tử vong.

Mặc dù đứng thứ hai về số ca nhiễm virus, với 28.142.832, nhưng châu Âu lại có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới với 645.167 ca. Châu Á là khu vực đứng thứ ba với 22.277.157 ca nhiễm và 360.082 ca tử vong.

Theo số liệu thống kê mới nhất, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang tăng với tốc độ chóng mặt trên thế giới, một phần do sự xuất hiện của biến thể virus đến từ Anh đã lan sang 60 quốc gia.

Châu Âu là khu vực có số nước phát hiện ca biến thể virus SARS-CoV-2 nhiều nhất. Tại Séc, Bộ trưởng Y tế Jan Blatný cho biết biến thể mới đã chiếm khoảng 10% trong tổng số ca nhiễm virus. Các nước láng giềng với Séc cũng có từ 10-15% số người nhiễm biến thể virus này.

Bộ trưởng Blatný cho biết các chủng virus bình thường cần 10 ngày, với biến thể mới chỉ 6 ngày đã phát bệnh. Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hiện xuất hiện nhiều nhất tại các nước như Đan Mạch, Hà Lan, Italy, Jordan, Hàn Quốc, Nam Phi và Nhật Bản. Tuy nhiên, giới chức y tế thế giới cho biết cho đến nay, các loại vaccine ngừa COVID-19 vẫn có tác dụng đối với biến thể mới này.

Theo Bộ trưởng Blatný, biến thể virus từ Anh có khả năng lây lan nhanh hơn các chủng loại bình thường. Chính phủ Séc đã thông qua kế hoạch thành lập trung tâm tiêm chủng ở Sân vận động mùa đông O2 với năng lực có thể tiêm cho 10.000 người/ngày, và tại các địa phương trên toàn quốc.

Trong khi đó, tại Đức, một bệnh nhân nam 73 tuổi ở bang Baden-Wüttemberg của nước này đã qua đời khi lần thứ hai mắc COVID-19. Đây là trường hợp bệnh nhân thứ ba trên thế giới tử vong trong lần thứ 2 mắc COVID-19.

Giới chức y tế bang Baden-Wüttemberg cho biết bệnh nhân trên sống ở Freudenstadt, nhiễm bệnh lần đầu hồi tháng 4/2020, tới cuối tháng 12/2021 bị nhiễm trở lại và đã tử vong do viêm phổi vì COVID-19 và nhiễm khuẩn huyết kết hợp với suy đa tạng. Bệnh nhân không có dấu hiệu nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2.

Theo ông Stefan Brockmann, quan chức phụ trách dịch tễ học Bộ Y tế bang Baden-Wüttemberg, bệnh nhân có bệnh nền và có khả năng người này đã không hình thành được hệ miễn dịch mạnh sau lần nhiễm đầu tiên.

Ông cho biết nguy cơ một người bị nhiễm COVID-19 lần thứ hai là rất thấp và trong một số trường hợp cá biệt, bệnh nhân không phát triển đủ kháng thể trong lần nhiễm đầu tiên.

Một trong những thông tin tích cực cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, ngay sau khi nhậm chức tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quay trở lại tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Người phát ngôn của TTK LHQ Stephane Dujarric ngày 20/1 cho biết Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh Mỹ quyết định quay trở lại tham gia WHO.

Tuyên bố của người phát ngôn trên nhấn mạnh WHO đóng vai trò then chốt đối với những nỗ lực của thế giới nhằm hướng đến hành động ứng phó chung hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Hiện là thời điểm phải thống nhất và cộng đồng quốc tế phải cùng hợp tác trong khối đoàn kết nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và những hậu quả nghiêm trọng của loại virus chết người này./. 

>>Trường hợp nào được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19 và thiên tai?

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục