Thêm quốc gia ở châu Phi gia hạn lệnh phong tỏa

14:03' - 19/04/2020
BNEWS Ngày 18/4, Hội đồng Chính phủ Maroc đã quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa trên toàn quốc đến ngày 20/5 tới, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Maroc, khi số ca mắc bệnh đã lên đến 2.685 người, trong đó có 137 người tử vong và 298 người được điều trị bình phục hoàn toàn.

Maroc hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 3 ở châu Phi, sau Nam Phi và Ai Cập.

Theo quy định của chính phủ, người dân chỉ được phép ra ngoài mua lương thực, thực phẩm và thuốc men. Các trường học, cơ sở tôn giáo, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa không thiết yếu và các trung tâm giải trí, văn hóa đều buộc phải đóng cửa.

Cơ quan chức năng cũng yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang. Những người không chấp hành các quy định trên có nguy cơ phải đối mặt với án tù và phạt tiền.

Để góp phần hỗ trợ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ Maroc đã thực thi một số biện pháp như tiếp tục trả lương cho người lao động, hoãn thuế, giãn thời hạn các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ…

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Maroc vẫn có thể đạt tăng trưởng 3,7% trong năm 2020.
* Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Tunisia Abdellatif Mekki cho biết số ca mắc COVID-19 ở nước này vẫn ở mức vừa phải, cho thấy quốc gia Bắc Phi này đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất của dịch COVID-19.

Phát biểu trên sóng phát thanh, ông Mekki khẳng định tuy những khó khăn nhất đã qua đi, nhưng nước này vẫn cần phải thực thi đầy đủ các biện pháp cơ bản để ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19.

Tình hình sắp tới tại Tunisia sẽ ngày càng khả quan nếu người dân chấp hành nghiêm túc quy định giới nghiêm của chính phủ.

Trước đó, ngày 17/4, Hội đồng An ninh Quốc gia Tunisia đã quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, nhưng không nêu rõ thời điểm kết thúc.

Ban đầu, lệnh giới nghiêm dự kiến được áp đặt trong 2 tuần, kể từ ngày 20/3, nhưng sau đó đã được gia hạn đến ngày 20/4. Tính đến 17h00 (giờ địa phương) ngày 18/4, Tunisia đã ghi nhận 864 ca nhiễm, trong đó 37 ca tử vong.
* Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 18/4 tuyên bố nước này sẽ tăng gấp đôi hoạt động sản xuất để khôi phục dần nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành.

Theo đó, tỷ lệ công nhân viên chức được phép đi làm trở lại sẽ tăng từ 15% đến 30%. Ngoài ra, hoạt động giao thông công cộng sẽ được tăng cường, chủ yếu để phục vụ người đi làm.

Thủ tướng Netanyahu cũng cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại ở một số danh mục nhất định như điện tử, nội thất, sách báo, giặt ủi và một số mặt hàng khác. Các cửa hàng quần áo và đồ chơi vẫn bị đóng cửa trong thời gian này do nguy cơ lây nhiễm cao.

Các trung tâm mua sắm và các khu chợ vẫn bị yêu cầu đóng cửa. Chỉ có các trường học phục vụ các chương trình giáo dục đặc biệt mới được phép mở lại, nhưng phải hoạt động cầm chừng trong thời gian này.

Bộ Y tế Israel ngày 18/4 xác nhận số ca tử vong do COVID-19 đã tăng lên 164 người sau khi có thêm 13 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất. Israel ghi nhận thêm 283 ca nhiễm, nâng tổng số ca lên 13.265 người.
* Cùng ngày, Bộ Y tế Ai Cập thông báo nước này đã phát hiện thêm 188 ca nhiễm. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở quốc gia Bắc Phi này giữa tháng 2 vừa qua.

Hiện Ai Cập có tổng cộng 3.032 ca nhiễm và 224 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 19 ca tử vong trong ngày 18/4.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Ai Cập đã tiến hành xét nghiệm cho khoảng 55.000 người tại 25 cơ sở xét nghiệm trên cả nước. Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho biết nước này hiện có 14 bệnh viện điều trị cách ly các bệnh nhân mắc COVID-19 trong tổng số 30 bệnh viện đã sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hiện nay.

Trong 24 giờ qua, một số nước khác ở khu vực Trung Đông và châu Phi tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm  và tử vong mới do COVID-19. Oman ghi nhận thêm 111 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại nước này lên 1.180 người trong khi tổng số ca tử vong là 6; Saudi Arabia xác nhận thêm 1.132 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong, nâng tổng số ca lên 8.274 ca và 92 ca tử vong; Iraq có thêm 31 ca nhiễm mới nâng tổng số lên 1.513 ca và 82 ca tử vong./.
>>WHO cảnh báo về tốc độ lây nhiễm COVID-19 tại châu Phi


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục