Theo dõi sát, cảnh báo kịp thời về dịch hại vụ Đông Xuân các tỉnh phía Bắc

12:32' - 07/04/2020
BNEWS Các tỉnh, thành phố phía Bắc có trên 1,1 triệu ha lúa Đông Xuân. Đây là vụ quyết định 60% sản lượng lương thực của khu vực này.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Tại hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại cây trồng trong vụ Đông Xuân tại các tỉnh, thành phố phía Bắc” sáng 7/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, vụ Đông Xuân năm nay ở các tỉnh phía Nam đã thắng lợi, toàn ngành tiếp tục dồn lực tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân tại 31 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, vụ Đông Xuân này rất quan trọng vì đây là vụ quyết định 60% sản lượng lương thực của khu vực này. Đây là khu vực mà có tới 80% sản lượng phục vụ nhu cầu tại chỗ. Do đó, ngay từ đầu vụ, ngành đã chỉ đạo sản xuất từ lấy nước, làm đất, giống, gieo cấy, chăm sóc… nhìn chung tình hình lúa đang phát triển tốt.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là giai đoạn quan trọng nhất quyết định năng suất, sản lượng khu vực này. Vì trà lúa sớm đã bắt đầu trỗ bông, cao điểm sẽ trỗ từ ngày 20/4 đến 10/5. Thời kỳ lúa trỗ bông là thời kỳ mẫn cảm nhất với sâu bệnh. Bên cạnh đó, năm nay có nhuận hai tháng tư âm lịch nên thời tiết rất dễ cho các nhóm sâu bệnh phát triển. Trong khi đó, vụ lúa Xuân là vụ quan trọng, liên quan đến đảm bảo an ninh lương thực.

“Ba tháng trồng cây không bằng một ngày trông quả. Vì vậy, đây là giai đoạn rất nhạy cảm, có tính quyết định tới thắng lợi của vụ Đông Xuân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, các địa phương không chủ quan, lơ là và phải theo dõi sát diễn biến dịch hại, cảnh báo kịp thời để đưa ra khuyến nghị cho nông dân những giải pháp phòng trừ đúng lúc, đúng chỗ nhằm đảm bảo sản xuất thắng lợi và an ninh lương thực.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, ở vùng Bắc Trung bộ, lúa Đông Xuân sớm đã trỗ hơn 84.000 ha, trà lúa chính vụ (dự kiến trỗ từ ngày 5/4 đến ngày 20/4) sẽ có nguy cơ rất cao bị bệnh đạo ôn cổ bông gây hại nặng nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh (nhiệt độ 23-25oC và ẩm độ cao kéo dài).

Ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, bệnh đạo ôn lá sẽ bùng phát và gây hại nặng trên giống nhiễm từ đầu đến giữa tháng 4 và là nguồn bệnh gây hại trên cổ bông cho các trà lúa trỗ trong tháng 4 đến trung tuần tháng 5. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 gây hại chính ở vụ Đông Xuân sẽ gây hại trên diện rộng với mật độ cao ở nhiều tỉnh, nhất ở các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng từ giữa đến cuối tháng 4. Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 sẽ phát sinh và gây hại từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.

Hiện nay, các tỉnh Bắc Trung bộ có diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá trên 3.610 ha, tăng 178% so cùng kỳ năm trước, phân bố tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… ; có diện tích nhiễm 204 ha bị bệnh đạo ôn cổ bông đang, tăng 283%, phân bố nặng nhất tại Huế, tiếp đến Quảng Bình, Nghệ An. Sâu cuốn lá nhỏ cũng có diện tích nhiễm gần 4.300 ha, tăng 115%.

Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, bệnh đạo ôn lá gây hại từ đầu tháng 3 trên trà lúa sớm và tăng nhanh, gây hại nặng từ cuối tháng 3 đến nay. Diện tích nhiễm gần 10.000 ha, giảm 4.640 ha so cùng kỳ năm trước.

Người dân phun thuốc phòng bệnh diện tích lúa đã được gieo cấy. Ảnh: Phan Tuấn Anh -TTXVN
Ở Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đặng Ngọc Sơn cho biết, diện tích lúa của địa phương có khả năng trỗ sớm khoảng từ 7-10 ngày (từ ngày 15-20/4), có khả năng khoảng 50% diện tích lúa của tỉnh trỗ vào thời điểm không thích hợp về thời tiết và là điểm đáng lo lắng. Tỉnh lo lắng nhất là đạo ôn, nhất là trong điều kiện thời tiết sâm u như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Ngay từ đầu vụ, tỉnh quan tâm về cơ cấu giống, giảm sử dụng giống có nguy cơ nhiễm đạo ôn cao, sử dụng giống kháng đạo ôn cao.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá, đây là vụ Xuân ấm, nhiệt độ cao, thiếu nước. Hiện các diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đang phát triển tốt, nhưng tỉnh không chủ quan trước tình hình thời tiết âm u, xen kẽ mưa phùn là thời điểm các sinh vậy nguy hại cho cây lúa trổ bông phát triển. Tỉnh cũng lo lắng nhất bệnh đạo ôn cổ bông, do có nguy cơ cao mặc dù hiện tại diện tích bị nhiễm thấp.

Vụ này, tỉnh Nghệ An gieo cấy tập trung 55% diện tích là lúa chất lượng cao. Nhưng các giống lúa này lại mẫm cảm với thời tiết và bệnh đạo ôn cổ bông. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo phòng, chống dịch hại theo nguyên tắc 4 đúng “đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng, đúng cách” và tỉnh kèm theo một giải pháp là sát thực tế.

“Tỉnh đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo, nhưng quan trọng nhất vẫn là bám sát trực tiếp đồng ruộng và phối hợp cùng Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4 giám sát chặt tình hình thực tế.”, ông Hoàng Nghĩa Hiếu nói.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu, các cơ quan, đơn vị chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương lên trung ương theo quy định để phối hợp, chỉ đạo kịp thời. Địa phương thông tin tuyên truyền biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại đến tận người dân. Hệ thống thanh tra chuyên ngành thanh kiểm tra việc buôn bán vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng chống dịch để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng.

Theo nhận định, thời tiết vụ Đông Xuân 2019-2020 đang có những diễn biến phức tạp và trong thời gian tới có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh, trời âm u, có mưa, ẩm độ cao, sương mù kéo dài.... Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại bùng phát trong vụ Đông Xuân, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, thậm chí là bệnh bạc lá.

Các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) có trên 1,1 triệu ha lúa Đông Xuân; trong đó, vùng Bắc Trung Bộ có khoảng 351.000 ha, vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc có khoảng 755.000 ha. Đến nay, các trà lúa đều đang sinh trưởng và phát triển tốt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục