Thị trường tài chính - "điểm nóng" của Nhật Bản

21:59' - 06/08/2024
BNEWS Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ theo dõi những biến động lớn trên thị trường tài chính.

Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, Atsushi Mimura, ngày 6/8 cho biết Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ theo dõi những biến động lớn trên thị trường tài chính trong những ngày gần đây và làm "tất cả những gì có thể" liên quan quản lý kinh tế, tài chính.

Ông Atsushi Mimura đã đưa ra phát biểu trên sau cuộc họp với các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính, BoJ và Cơ quan dịch vụ tài chính của Nhật Bản. Theo hãng thông tấn Kyodo, cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán và tiền tệ của Nhật Bản chứng kiến những phiên giao dịch đầy biến động trong hai ngày qua.

 

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 6/8, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo tăng hơn 3.217 điểm, tương đương 10,23%, so với thời điểm đóng cửa hôm trước, lên mức 34.675,46 điểm. Đây là mức tăng điểm lớn nhất của chỉ số Nikkei 225 kể từ khi mức tăng điểm kỷ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 2/10/1990.

Sự phục hồi mạnh mẽ nói trên là nhờ hoạt động mua vào ồ ạt sau phiên bán tháo trên thị trường toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 5/8 khiến cổ phiếu lao dốc ở mức kỷ lục. Dữ liệu về lĩnh vực dịch vụ ở Mỹ cho thấy sự phục hồi trong tháng 7, giúp xoa dịu những lo ngại về khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong tháng trước.

Số liệu do Viện Quản lý cung ứng (ISM) công bố ngày 5/8 cho thấy, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 7 đã tăng lên mức 51,4, từ mức 48,8 của tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy sự tăng trưởng của ngành dịch vụ, vốn chiếm hơn 66% nền kinh tế Mỹ.

Sau khi các số liệu trên được công bố, đồng USD đã tăng giá nhẹ so với đồng yen, giao dịch ở ngưỡng dưới 146 yen đổi 1 USD, so với ngưỡng 141 yen/USD một ngày trước.

Phát biểu sau cuộc họp trên, ông Atsushi Mimura cho biết Chính phủ Nhật Bản và BoJ khẳng định nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang trên đà phục hồi, viện dẫn những số liệu tích cực như mức tăng lương mạnh mẽ và mức đầu tư vốn của các doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù không nêu rõ nguyên nhân gây ra biến động trên thị trường tài chính, song ông Atsushi Mimura đề cập những quan ngại của nhà đầu tư về nguy cơ suy giảm kinh tế và rủi ro từ căng thẳng ở khu vực Trung Đông.

Theo ông, tỷ giá giữa đồng yen và USD phản ánh những yếu tố cơ bản của hoạt động kinh tế và đang trong tình trạng ổn định. Và đây cũng là quan điểm cơ bản cho mọi hoạt động giám sát và đánh giá thị trường hiện nay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng lên tiếng trấn an khi khẳng định chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để theo dõi và phân tích diễn biến thị trường tài chính. Bộ trưởng Suzuki cho rằng, điều quan trọng là cần thừa nhận sự phục hồi bền bỉ của nền kinh tế trong khi phải ứng phó những thay đổi trên thị trường.

Cùng ngày, Thủ tướng Fumio Kishida bày tỏ lạc quan về triển vọng kinh tế của Nhật Bản, viện dẫn những yếu tố tích cực như việc tiền lương thực tế tăng lần đầu tiên trong hơn hai năm qua. Thủ tướng cho rằng nền kinh tế đất nước đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang một giai đoạn mới.

Trước đó, trong ngày 5/8, thị trường chứng khoán Nhật Bản chứng kiến một phiên bán tháo mạnh mẽ trong “ngày tồi tệ nhất từ trước đến nay” do những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế tại Mỹ. Biến động mạnh mẽ này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản, mà với sức nặng tài chính của nước này, đây có thể trở thành nguồn gốc của sự biến động hơn nữa trên thị trường toàn cầu.

Ngày 5/8, chỉ số Topix giảm mạnh 13% trong phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1987. Chỉ số này hiện thấp hơn gần 25% so với mức đỉnh đạt được chỉ cách đây một tháng. Chỉ số Nikkei đóng cửa phiên này giảm 12,4% xuống 31.458,42 điểm. Tính theo phần trăm, đây là mức giảm lớn thứ hai kể từ vụ sụp đổ “Thứ Hai Đen tối” vào tháng 10/1987, khi chỉ số này mất 3.836,48 điểm, tương đương 14,9%.

Trong khi đó, đồng yen đang phục hồi mạnh, tăng 12% so với thời điểm chưa đến một tháng trước, khi đồng tiền này ở mức thấp nhất trong 37 năm.

Những xáo trộn này trên thị trường phản ánh những thay đổi trong chính sách tiền tệ. Trong 18 tháng qua, đồng yen giảm mạnh khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, trong khi BoJ “án binh”. Khi đó, hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade), tức các nhà đầu tư vay vốn rẻ bằng đồng yen để thực hiện các khoản đầu tư sinh lợi cao hơn bằng đồng USD hoặc euro, phát triển mạnh mẽ, khiến đồng yen suy yếu hơn nữa.

Đồng yen yếu đã thúc đẩy lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty Nhật Bản và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Nhật Bản. Trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, khối ngoại đã mua ròng 9.000 tỷ yen (60 tỷ USD) cổ phiếu Nhật Bản.

Tuy vậy, tình hình hiện tại hoàn toàn khác. BoJ đã thực hiện những bước nhỏ để thắt chặt chính sách. Ngày 31/7, BoJ đã nâng lãi suất từ khoảng 0,1% lên khoảng 0,25%. Ngược lại, Fed được dự đoán sẽ sớm bắt đầu hạ lãi suất. Những dự đoán này tăng lên vào ngày 2/8, sau khi báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này chỉ tạo thêm 114.000 việc làm trong tháng Bảy, thấp hơn mức dự đoán 175.000 việc làm của giới đầu tư.

Đồng yen đã mạnh lên mức 141 yen đổi 1 USD, mức mạnh nhất trong bảy tháng qua. Trước đó, đồng tiền này đã tăng giá từ mức 148 yen đổi 1 USD lên mức 146 yen đổi 1 USD  trong phiên giao dịch 2/8 tại New York, sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng Bảy “yếu” hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái.

Đồng yen tăng vọt đã thúc đẩy sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Trước đó, các công ty xuất khẩu Nhật Bản là đối tượng được hưởng lợi nhiều từ sự suy yếu của đồng yen vì họ tạo ra phần lớn doanh thu ở nước ngoài nhưng báo cáo thu nhập bằng đồng yen.

Giờ đây, các công ty này lại rơi vào tình cảnh khó khăn. Trên thị trường chứng khoán, các giao dịch ký quỹ, tức các giao dịch được thực hiện bằng tiền đi vay – đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2006 trước khi xảy ra đợt bán tháo nói trên. Những khoản đầu tư bằng đòn bẩy tài chính này hiện đang được cắt giảm nhanh chóng.

Đó là lý do tại sao những cổ phiếu trước đó được yêu thích lại đang chịu những mức giảm lớn nhất. Giá cổ phiếu của Tokyo Electron, một nhà cung cấp thiết bị bán dẫn quan trọng, đã giảm 18% trong phiên 5/8.

Cổ phiếu các ngân hàng lớn của Nhật Bản đều lao dốc, trong đó Mizuho Financial Group giảm 19,7%, Mitsubishi UFJ Financial Group giảm 17,8%, Resona Holdings giảm 19,5% và Sumitomo Mitsui Financial Group giảm 15,5%. Các ngân hàng khu vực cũng không ngoại lệ, khi cổ phiếu Chiba Bank giảm 23,7% và Fukuoka Financial Group giảm 17,9%, trong khi “ông lớn” môi giới Nomura Holdings giảm 18,6%.

Hiện tại, việc cắt giảm các giao dịch mang tính đầu cơ như trên được xem là nguyên nhân chính dẫn đến đợt lao đốc lần này của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Gần như không chuyên gia nào cho rằng các công ty Nhật Bản đang gặp khó khăn nghiêm trọng, hay lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính của nước này.

Đồng quan điểm, chiến lược gia kỳ cựu tại công ty chứng khoán Nomura Securities - ông Naka Matsuzawa, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang bán cổ phiếu Nhật Bản, do lo ngại Mỹ có thể đang tiến đến suy thoái, mà không hẳn do những lý do cụ thể của Nhật Bản.

Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng tại Nhật Bản có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền. Khi các động thái về lãi suất của các ngân hàng trung ương khiến hoạt động "carry trade" trở nên ít khả thi hơn, chúng có thể thúc đẩy hoạt động bán tháo tại các thị trường nước ngoài. Nhật Bản cũng là chủ nợ lớn nhất thế giới.

Các nhà đầu tư của nước này sở hữu 10.600 tỷ USD tài sản nước ngoài vào cuối năm ngoái. Nếu đồng yen mạnh hơn khiến các nhà đầu tư này phải bán tháo các khoản nắm giữ ở nước ngoài để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ở trong nước, điều đó có thể làm giảm giá trị tài sản, đồng thời thúc đẩy đồng yen tăng cao hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục