Thị trường chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn

15:06' - 28/01/2021
BNEWS Sau phiên giảm điểm kỷ lục tuần trước, thị trường chứng khoán liên tiếp ghi nhận các phiên giảm điểm sâu. Trong ngày 28/1, chỉ số VN-Index tiếp tục lao dốc, có thời điểm ghi nhận giảm trên 74 điểm.

Áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Áp lực từ việc bán giải chấp cổ phiếu

Đóng cửa phiên giao dịch sáng 28/1, chứng khoán tiếp tục lao dốc khi chỉ số VN-Index “bốc hơi” 70,9 điểm, về 1.026,27 điểm, giảm 6,46% so với phiên trước đó. Toàn sàn HOSE, chỉ có 18 mã tăng điểm, 7 mã đứng mốc giá tham chiếu, còn lại 475 mã giảm giá; trong đó có tới 294 mã giảm sàn.

Sắc đỏ bao trùm toàn bộ rổ VN30 với 30/30 mã giảm điểm. Cập nhật đến 14 giờ 20 phút chiều 28/1, thị trường ghi nhận mức kỷ lục về giảm sàn khi 30/30 mã cổ phiếu trong rổ VN30 (đại diện nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hoá thị trường cũng như thanh khoản cao nhất trên sàn HOSE) đều rơi về giá sàn.

Đáng lưu ý, đây là 3 phiên giao dịch liên tiếp thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ và ghi nhận giảm điểm sâu. Trước đó, ngày 26/1, VNIndex giảm tới 29,93 điểm; ngày 27/1, VNIndex giảm 38,95 điểm xuống 1.097,17 điểm, mất mốc 1.100 điểm.

Tính chung chưa đầy 2 tuần giao dịch, chỉ số VNIndex đã “bốc hơi” hơn 150 điểm. Các mốc hỗ trợ quan trọng của VNIndex là 1.100 điểm và 1.050 điểm đã bị “đạp” đổ chỉ trong 2 phiên giao dịch gần đây.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, xung lực đầu tiên khiến thị trường chứng khoán lao dốc trong những phiên giao dịch gần đây phải kể đến lực bán giải chấp từ các nhà đầu tư và công ty chứng khoán. Động thái này thường đến từ các tài khoản dùng đòn bẩy tài chính cao (vay ký quỹ, còn gọi là margin) vào thời điểm margin call (phải nộp thêm tiền), buộc các công ty chứng khoán phải bán giải chấp cổ phiếu, dẫn đến lực bán mạnh.

Thực tế trong những tháng qua cùng với sự tăng mạnh của thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán liên tục tung ra các dịch vụ cấp margin với nhiều chương trình ưu đãi để có thêm nguồn thu từ phí giao dịch.

Thống kê của FiinPro cho thấy, tính tới cuối năm 2020, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán hiện vào khoảng 90.000 tỷ đồng (trong đó dư nợ cho vay margin khoảng 81.000 tỷ đồng), tăng 40% so với cuối quý 3 và tăng 84% so với thời điểm thị trường tạo đáy tại vùng 660 điểm vào cuối quý 1/2020.

Số liệu trên cho thấy, dòng tiền margin đổ vào thị trường trong thời gian qua là không nhỏ và tương ứng với đó, thị trường sẽ phải chịu áp lực giải chấp. Do vậy, việc thị trường giảm sâu là điều khó tránh khỏi.

Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cũng cho hay, giữa tháng 1/2021 đến nay, thị trường ghi nhận các phiên giảm điểm mạnh, tạo tâm lý buộc nhà đầu tư phải chuyển sang trạng thái an toàn, nhất là khi tình hình margin của các công ty chứng khoán tăng mạnh, lên tới 80.000-90.000 tỷ đồng. Do vậy, các tài khoản có margin buộc phải có tâm thế giữ an toàn, việc chốt lời là điều dễ hiểu.

“Sau khi thị trường chạm mốc 1.200 điểm vào giữa tháng 1/2021, thị trường liên tục có các phiên điều chỉnh. Đây là điều được dự báo trước và cũng là tâm lý đám đông. Nếu không bán ra thì margin sẽ chạm ngưỡng phải xử lý và có thể những thành quả trước đó của nhà đầu tư sẽ không còn bao nhiêu”, ông Hùng nói.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện thị trường chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Tết âm lịch kéo dài, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu rút tiền để sử dụng trong dịp này hoặc dự phòng rủi ro cho diễn biến thị trường thế giới, rút ra bài học trong kỳ nghỉ Tết năm ngoái. Tâm lý này cũng góp phần không nhỏ khiến thị trường lao dốc như gần đây.

Khó chọc thủng mốc 1.000 điểm

Dự báo của các chuyên gia cho thấy, dù lực bán vẫn còn cao ở những phiên tới, nhất là khi ca nhiễm COVID-19 ở Hải Dương vừa được Bộ Y tế công bố sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư. Tuy vậy, mức giảm của VN-Index khó có thể chọc thủng mốc 1.000 điểm vì còn nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, xu hướng giảm điểm của thị trường chứng khoán đợt này trùng hợp với dư nợ margin tại các công ty chứng khoán quá lớn. Đồng thời, thị trường vừa trải qua nhịp tăng dài, nhà đầu tư đồng loạt thực hiện chốt lời khi thị trường có dấu hiện rung lắc. Cả 2 yếu tố này cộng lại khiến thị trường chịu sự điều chỉnh như những ngày gần đây.

Ông Tuấn cho rằng, thị trường có thể còn có phiên giảm điểm trước khi bước vào chu kỳ tăng mới. Tuy nhiên, xu hướng điều chỉnh này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, muộn nhất là kéo dài từ nay đến trước nghỉ Tết Nguyên đán. Bởi lẽ, khi nhà đầu tư đồng loạt thoát margin thì năng lực cung ứng vốn của các công ty chứng khoán sẽ khỏe lại. Từ đó, tạo đà cho thị trường chứng khoán tăng trở lại trong thời gian tới.

Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, thông thường các đợt điều chỉnh nhanh như thế này, thì khả năng phục hồi của thị trường sẽ diễn ra sớm.

“Chỉ trong vòng 2-3 tháng gần đây, dòng tiền đổ vào chứng khoán ghi nhận đều trên mức 15.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí nhiều phiên lên tới trên 20.000 tỷ đồng. Dòng tiền đổ vào thị trường có chủ đích như một kênh đầu tư thực sự với thanh khoản cao. Do vậy, việc dòng tiền vững chắc cộng thêm môi trường lãi suất được dự báo vẫn ở mức thấp sẽ là những yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán tăng điểm trở lại trong thời gian tới”, ông Hùng cho biết.

Với việc thị trường rơi mạnh, giảm dốc liên tiếp trong 2-3 phiên gần đây, rõ ràng nếu nhà đầu tư tiếp tục bán ra nữa thì sẽ lỗ nặng. Do vậy lực bán được dự báo sẽ yếu đi. Mặt khác, thông thường khi thị trường giảm đáy, nhiều mã giảm sàn sẽ là lúc các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, khối tự doanh… có khuynh hướng mua vào nhiều hơn.

Thêm vào đó, kết quả kinh doanh quý IV/2020 của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán sơ bộ cho thấy có khả quan hơn so với dự báo trước đó, ngoại trừ một số lĩnh vực như du lịch, dịch vụ… Cùng với yếu tố vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP của Việt Nam đều được các tổ chức quốc tế dự báo sẽ khả quan hơn trong năm 2021. Đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trở lại trong thời gian tới.

Liên quan đến những lo ngại do lượng margin cao, trong một báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, dư nợ margin dù tăng cao nhưng vẫn thấp và đang giảm dần so với quy mô thị trường.

Dẫn số liệu từ hệ thống FiinPro, các chuyên gia của Agriseco cho rằng, tỷ trọng dư nợ cho vay margin trên giá trị giao dịch trung bình cuối năm 2020 chỉ đạt 7,4%, tiếp tục đà giảm quý thứ 2 liên tiếp và thấp hơn nhiều so với mức 22,5% cùng kỳ 2019.

Điều này hàm ý thanh khoản thị trường giai đoạn vừa qua tăng cao, nhưng phần lớn đến từ “tiền tươi thóc thật” từ các nhà đầu tư, đặc biệt từ các nhà đầu tư mở tài khoản mới trong 3 tháng gần đây.

Theo Agriseco, đang có khoảng 60.000 tỷ đồng sẵn sàng giải ngân dựa trên thống kê số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán thời điểm cuối quý IV/2020, gấp 3 lần thời điểm đầu năm. Đây là mức cao kỷ lục và thể hiện tiềm lực hùng hậu của dòng tiền tham gia thị trường, giúp hấp thụ áp lực bán giải chấp (nếu có) hoặc đà bán ròng của khối ngoại và kéo thị trường đi lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục