Thị trường chứng khoán tuần tới: Nhen nhóm cơ hội vượt đỉnh ngắn hạn

14:11' - 21/07/2019
BNEWS Thị trường chứng khoán đã có 3 tuần tăng liên tiếp và thanh khoản cũng liên tục tăng lên, một dấu hiệu cho thấy đà tăng đã thật sự lôi kéo được dòng tiền mới vào "tham chiến".
Thị trường chứng khoán đã có 3 tuần tăng liên tiếp. Ảnh minh họa: TTXVN
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua diễn biến theo chiều hướng tích cực, khi giới đầu tư lạc quan về triển vọng tăng điểm. Đây cũng là tuần thứ 3 liên tiếp thị trường đi lên trên nền tảng thanh khoản tăng.

Giới phân tích cho rằng, nội tại của thị trường đang khá vững và động lực tăng trưởng đến từ dòng tiền nội và ngoại gia tăng giải ngân.

Theo nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, thị trường đã bước vào một xu hướng tăng mới với mức tăng nhẹ và thanh khoản có sự cải thiện.

Kết thúc tuần giao dịch từ 15 – 19/7, VN - Index tăng 6,94 điểm, lên 982,34 điểm; HNX - Index tăng 1,215 điểm, lên 107,07 điểm. Thanh khoản thị trường tuần qua đạt khoảng hơn 4.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Tính chung cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 5% so với tuần trước đó, đạt 18.714 tỷ đồng; trong khi giá trị giao dịch trên HNX tăng 24,1% lên 2.367 tỷ đồng.

Tuần qua, những mã cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng trưởng mạnh đã giúp thị trường chung đi lên.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu VHM tăng 1,7%, VRE tăng 4,2%, VIC đang có diễn biến lình xình đi ngang. Trong khi đó, những “đại gia” ngành bán lẻ như MWG tăng mạnh mẽ tới 7,8%, VNM tăng 2,3%.

Cổ phiếu đầu ngành công nghệ là FPT cũng tăng 2,6%, trong khi cổ phiếu ngành hàng không là VJC đi ngang.

Ở chiều tiêu cực, cổ phiếu ngành thép là HPG giảm 6,2%, trong khi cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành thực phẩm đồ uống là MSN  giảm 4,6% và SAB giảm 4% đã kéo giảm đà tăng của chỉ số VN – Index.

Thực tế, dù vẫn còn những mã giảm sâu, nhưng đa số các mã cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng có nhiều mã tăng mạnh như: VCB tăng tới 7,2%, BID (4,5%), ACB (3,7%), SHB (3%), TCB (2,4%), CTG (1,9%), HDB (1%)…

Theo các chuyên gia phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank, nhóm cổ phiếu ngân hàng, điển hình nhất là VCB trở lại dẫn dắt thị trường tăng điểm. Đây là nhóm cổ phiếu quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn và đủ tin cậy. Thị trường liên tục đảo lớp dòng tiền, tạo ra điều kiện thuận lợi để nối tiếp đà tăng, hướng về các vùng điểm cao hơn.

Dù vậy, thị trường chỉ tăng nhẹ là do gặp phải lực cản từ nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến tiêu cực do sự đi xuống của giá dầu thế giới.

Theo đó, tuần qua giá dầu WTI giảm 7% và giá dầu Brent giảm 5,5%, đều là các mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng Năm.

Với sự sụt giảm mạnh của giá dầu, các cổ phiếu ngành dầu khí cũng giảm theo. Cụ thể, PLX giảm 0,7%, PVD (1,9%), PVS (3,8%), PVC (2,5%), POW (5,8%), BSR (5,9%).

Diễn biến nội tại của nhóm cổ phiếu dầu khí cho thấy, các mã dầu khí đang bị bán mạnh, cùng với sự sụt giảm giá dầu, có lẽ cơ hội hồi phục của nhóm cổ phiếu này trong tuần tới không được đánh giá cao.

Tuần qua, dòng tiền ngoại cũng chảy mạnh vào thị trường, đây là nhân tố quan trọng lấy lại niềm tin của giới đầu tư trong nước.

Theo đó, tính trên toàn thị trường, khối ngoại mua vào 66,9 triệu cổ phiếu, trị giá 3.121,6 tỷ đồng, trong khi bán ra 65,8 triệu cổ phiếu, trị giá 2.295 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt hơn 1 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 826,6 tỷ đồng.

Xét đến các yếu tố vĩ mô trên thế giới, chính sách tiền tệ nới lỏng đang là một động lực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.

Theo nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS, làn sóng nới lỏng tiền tệ đang lan tỏa khắp các nền kinh tế trên thế giới. Hàn Quốc vừa bất ngờ hạ lãi suất vào thứ Năm tuần trước do áp lực suy giảm hoạt động xuất khẩu và căng thẳng với Nhật Bản. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng đã hạ lãi suất tham chiếu lần đầu tiên trong gần 2 năm qua và cam kết sẽ có nhiều đợt nới lỏng hơn nữa trong tương lai.

Các chuyên gia phân tích đến từ MBS cho rằng, thị trường đã có 3 tuần tăng liên tiếp và thanh khoản cũng liên tục tăng lên, một dấu hiệu cho thấy đà tăng đã thật sự lôi kéo được dòng tiền mới vào "tham chiến", chừng nào dòng tiền chưa có dấu hiệu đạt đỉnh thì đà tăng hiện tại vẫn còn tiếp diễn.

Điểm tích cực lúc này là dòng cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, bán lẻ, Vingroup, thực phẩm…, đã có sự luân phiên đổi vài trò dẫn dắt thành công.

Cũng theo MBS, mùa báo cáo bán niên đang ở giai đoạn đầu và những doanh nghiệp lớn có kết quả khả quan sẽ xuất hiện dần dần trong tuần sau, thị trường theo đó sẽ có thêm dư địa tăng trưởng. Cơ hội vượt đỉnh ngắn hạn tháng 5 (khu vực 990 điểm) lại được nhen nhóm.

Dưới góc nhìn của các nhà phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), nhà đầu tư đang tư duy khá ngắn hạn và sẵn sàng chốt lời cổ phiếu. Vì vậy, đà tăng của thị trường có thể sẽ được tiếp diễn trong thời gian tới nhưng dư địa sẽ là không lớn.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (22/7 - 26/7), VN - Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với mục tiêu là vùng 990 - 1.000 điểm tương ứng với đỉnh của thị trường trong tháng 4 và tháng 5/2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục