Thị trường dầu thế giới "quay cuồng" với các dự báo giá

16:29' - 09/03/2022
BNEWS Việc chứng kiến dầu liên tiếp xác lập “đỉnh” mới giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang đã khiến giới phân tích liên tục điều chỉnh dự báo của họ về triển vọng thị trường dầu mỏ.

Sau khi tăng hơn 50% trong năm 2021, mặc dù được dự đoán sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2022, nhưng giá dầu thế giới vẫn khiến các nhà đầu tư đi hết từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác khi liên tục xác lập “đỉnh” mới.

Có nhiều nhân tố dẫn đến “cơn bão” giá này, nhưng có lẽ căng thẳng Nga-Ukraine được cho là “chất xúc tác” mới nhất và mạnh mẽ nhất tới giá dầu kể từ đầu năm nay. Điều đó khiến giới phân tích bình luận phải điều chỉnh dự báo của họ về thị trường dầu mỏ trong năm nay và xa hơn, với câu hỏi lớn được đặt ra là: “Kỷ nguyên vàng đen” bao giờ mới khép lại?

*Diễn biến bất ngờ

Đứng trước diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, nhân tố chính chi phối nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong hai năm qua, nhiều chuyên gia đã dự đoán giá dầu thế giới sẽ đạt mức trung bình 70-75 USD/thùng trong năm 2022, trước khi có thể chạm mức 80-85 USD/thùng vào năm 2023.

 

Thậm chí, một số tổ chức tư vấn dự báo nhu cầu dầu mỏ trong quý I/2022 sẽ tạm thời suy giảm do chịu cú sốc từ biến thể Omicron dễ lây lan trên quy mô lớn.

Hồi cuối năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định rằng, làn sóng bùng phát mới của dịch COVID-19 tại châu Âu, các hoạt động sản xuất công nghiệp chậm lại và giá dầu cao hơn có thể sẽ kìm hãm đà phục hồi của thị trường dầu mỏ.

IEA cho hay, đà phục hồi của giá dầu có thể đảo chiều, sau khi đạt mức cao nhất trong ba năm vào tháng 10/2021, với ước tính mức giá trung bình của dầu Brent là 71,5 USD/thùng trong năm nay.

Tuy nhiên, điều ít người ngờ tới nhất là khi quý I/2022 còn chưa kết thúc, giá dầu đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng.

Ngày 24/2, giá dầu Brent Biển Bắc đã ghi nhận các mức cao chưa từng thấy trong gần 8 năm, đóng cửa ở mức 101,20 USD/thùng, còn giá dầu WTI của Mỹ cũng chạm mức cao nhất kể từ tháng 8/2014, tiệm cận ngưỡng 100 USD/thùng.

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố mở chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine được coi là diễn biến có thể khởi đầu cho một tình hình nghiêm trọng hơn tại châu Âu và tác động mạnh tới thị trường năng lượng toàn cầu. Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và chủ yếu bán dầu thô cho các công ty lọc dầu châu Âu.

Nước này cũng là nhà cung cấp khi tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, khoảng 35% nguồn cung khí đốt cho “lục địa già”. Các chuyên gia cho biết bất kỳ sự gián đoạn nào đối với những hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga đều có thể khiến giá nhiên liệu tăng cao hơn cho người tiêu dùng.

Cho tới ngày 8/3, giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine, cùng với việc Mỹ và các nước phương Tây áp đặt một loạt lệnh trừng phạt. Xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga cũng đã chậm lại trước lệnh cấm do các thương nhân tìm cách tránh né ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt trong tương lai.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc đứng ở mức 127,98 USD/thùng, còn giá dầu WTI đạt mức 123,70 USD/thùng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 cũng đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga. Trong khi Anh cho biết nước này sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022, giúp thị trường và các doanh nghiệp có thời gian tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Các đồng minh châu Âu dự kiến sẽ không tham gia lệnh cấm này với Mỹ, song các khách hàng mua lớn tại khu vực này cũng đã ngừng nhập khẩu dầu Nga. Tình trạng gián đoạn này có thể ảnh hưởng đến các thị trường năng lượng khác, vì dầu và các sản phẩm của Nga được sử dụng để tinh chế thành các loại hàng hóa khác.

*Dự báo liên tục "nhảy số"

Việc chứng kiến dầu liên tiếp xác lập “đỉnh” mới giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang đã khiến giới phân tích liên tục điều chỉnh dự báo của họ về triển vọng thị trường dầu mỏ.

Bộ phận nghiên cứu của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định rằng, giá dầu Brent có thể đạt mức 175 USD/thùng trong năm nay nếu 2/3 lượng dầu xuất khẩu từ đường biển của Nga bị cắt giảm do tình hình căng thẳng ở Ukraine, đẩy nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một trong những “cú sốc” về nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Việc mất đi 2 triệu thùng/ngày trong tổng số 6 triệu thùng/ngày xuất khẩu dầu mỏ qua đường biển của Nga có thể sẽ đưa giá dầu Brent giao ngay tăng lên mức 145 USD/thùng, trong khi nếu mất 4 triệu thùng/ngày sẽ có thế khiến giá mặt hàng này chạm 175 USD/thùng.

Goldman Sachs cho biết: “Chúng tôi tin rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể gây ra sự sụt giảm lớn nguồn cung dầu trên thế giới, và điều này sẽ vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu”.

Goldman Sachs lưu ý, Trung Quốc sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc định hình thị trường dầu mỏ sẽ tái cân bằng như thế nào, trong khi lượng dầu xuất khẩu của Nga sẽ tiếp tục thu hẹp, với những hạn chế về logistics có thể ngăn cản sự phân bổ lại nguồn cung dầu một cách đầy đủ trong nhiều tháng.

Dựa trên cơ sở dự đoán lượng dầu xuất khẩu của Nga sẽ bị “hụt” 1,6 triệu thùng/ngày do các lệnh trừng phạt, Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu Brent giao ngay trong năm 2022 và 2023 lần lượt lên 135 USD/thùng và 115 USD/thùng, tăng từ các mức dự báo trước đó là 98 USD/thùng và 105 USD/thùng.

Và có vẻ như dòng chảy dầu của Nga vẫn sẽ giảm ngay cả khi có hoặc không có các lệnh trừng phạt nhắm vào xuất khẩu dầu. Mặc dù các lệnh trừng phạt của một số nước không nhắm vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, nhưng nguy cơ bị trừng phạt cùng với áp lực dư luận có thể khiến người mua không muốn mua dầu của Nga.

Trong những ngày gần đây, một số cuộc đấu thầu bán dầu của Nga không thu hút sự quan tâm của bất kỳ nhà thầu nào. Do đó, khả năng giá dầu tiếp tục tăng vẫn rất cao. Điều này cũng khiến tập đoàn tài chính ING, có trụ sở chính tại Amsterdam (Hà Lan), điều chỉnh các dự báo về giá dầu thế giới theo hướng nâng cao hơn.

Cụ thể, ING dự báo giá dầu Brent trong quý II/2022 sẽ đạt trung bình 102 USD/thùng, trong khi cho cả năm 2022, mức giá được đưa ra là 96 USD/thùng. Trong khi đó, ngân hàng ANZ của Australia (Ốt-xtrây-li-a) cũng đã nâng dự báo ngắn hạn đối với giá dầu lên 125 USD/thùng, đồng thời cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan (Mỹ) cho biết hiện tại, khoảng 66% lượng dầu của Nga đang phải nỗ lực tìm kiếm người mua. JPMorgan ước tính giá dầu thô có thể tăng vọt gần 70% từ mức ghi nhận vào cuối tuần trước (khoảng 114 USD/thùng) lên 185 USD/thùng vào cuối năm nay nếu nguồn cung dầu của Nga vẫn bị gián đoạn.

Theo JPMorgan, quy mô của “cú sốc nguồn cung” này có thể lớn đến mức giá dầu sẽ phải duy trì ở mức khoảng 120 USD/thùng trong nhiều tháng, với giả định rằng nguồn cung dầu thô của Iran sẽ không quay trở lại thị trường ngay lập tức.

JPMorgan nhấn mạnh, mức giá dầu dự báo 185 USD/thùng chỉ được xem xét nếu sự gián đoạn nguồn cung của Nga tiếp tục. Nếu không, ngân hàng này vẫn giữ dự báo trước đó là giá dầu Brent đạt mức trung bình 110 USD/thùng trong quý II/2022, 100 USD/thùng trong quý III/2022 và 90 USD/thùng trong quý IV/2022.

*Tương lai nào cho giá dầu?

OPEC+, gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu, trong đó có Nga, đã cắt giảm sản lượng khai thác dầu kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày trong năm 2020, khi kinh tế thế giới “gục ngã” vì cú sốc mang tên COVID-19.

Năm 2021, khi kinh tế toàn cầu hồi phục và nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng nhanh theo, OPEC+ đã nâng dần sản lượng dầu trở lại. Đến nay, OPEC+ đã khôi phục 4 triệu thùng dầu/ngày trong phần cắt giảm sản lượng nói trên. Với tốc độ nâng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày đang áp dụng hiện nay, OPEC+ dự kiến đến tháng 9/2022 phục hồi hoàn toàn phần sản lượng dầu đã cắt giảm nói trên.

Do đó, nguồn cung dầu mỏ được dự báo sẽ sớm đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, góp phần “hạ nhiệt” giá dầu.

Mặt khác, các mức giá cao như hiện nay cũng khuyến khích hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu. Điều này sẽ khiến nguồn cung dầu trở nên dồi dào với mức giá rẻ trở lại. Đó là điều đã nhiều lần lặp lại trong lịch sử và từng khiến các nhà đầu tư vào năng lượng sạch thiệt hại lớn.

Khi giá dầu mỏ và khí đốt tăng, người tiêu dùng bắt đầu sử dụng xe điện và các nguồn năng lượng sạch, không chỉ để bảo vệ môi trường mà còn vì hy vọng có thể giảm hóa đơn năng lượng. Đây là kịch bản đã diễn ra sau khi giá dầu tiến tới ngưỡng 150 USD/thùng vào năm 2008, điều đã góp phần thúc đẩy doanh số bán xe điện trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), cho biết: "Một yếu tố có thể đóng vai trò như một cái ‘phanh’ tạm thời đối với giá dầu là thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran”.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận những lo ngại về tình hình căng thẳng ở Ukraine và những hệ lụy đi kèm sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu một cách mạnh mẽ trong ngắn hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục