Thị trường hàng hóa ngày 30 Tết: Có nhích lên nhưng sức mua yếu

14:45' - 04/02/2019
BNEWS Mặc dù là ngày 30 Tết (ngày 4/2), ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất và chỉ còn chưa đầy 20 giờ nữa sẽ bước sang năm mới Kỷ Hợi, nên ai cũng tranh thủ mua sắm cũng như bán vội để còn về nhà chuẩn bị Tết.
Hoạt động mua sắm ngày giáp Tết. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Tuy nhiên, qua khảo sát ở một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm- Đức Viên, Nguyễn Công Trứ, 8-3, Phan Huy Chú, Xuân La, chợ Mơ… cho thấy giá cả các mặt hàng rau xanh, hoa quả tươi, thịt bò, gà, lợn, các mặt hàng khô như măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ, hạt sen khô, mực khô..., có nhích lên nhưng sức mua không cao, thậm chí còn rất yếu.

Cụ thể, giá bán các mặt hàng thực phẩm khô đã tăng nhẹ từ 5 - 10% so với Tết Mậu Tuất. Cụ thể mộc nhĩ 200.000 - 250.000 đồng/kg, măng khô tùy thuộc vào chất lượng, chủng loại măng “lưỡi lợn” hay đã xé nhỏ... có giá từ 120.000 - 350.000 đồng/kg; nấm hương 320.000 - 400.000 đồng/kg; miến 40.000 - 70.000 đồng/kg; hạt sen 140.000 - 170.000 đồng/kg; các loại mực khô 320.000 - 900.000 đồng/kg; mực xé sợi 300.000 đồng/kg, loại cán nguyên miếng 650.000 đồng/kg…

Bác Nguyễn Thị Hằng, một tiểu thương ở chợ Xuân La- Xuân Đỉnh (Hà Nội) cho biết, mặc dù hiện nay nhu cầu tiêu dùng có nhiều thay đổi nhưng người dân vẫn làm mâm cơm cổ truyền nên các mặt hàng khô vẫn bán chạy trong dịp Tết và giá các mặt hàng này tăng ít nhất từ 10.000 - 50.000 đồng/kg.

Tại chợ Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Chú, Chợ Hôm- Đức Viên, Mùng 8/3… giá rau xanh, quả tươi đang tăng giá nhẹ.

Chẳng hạn như rau cải xanh có giá 12.000 - 20.000 đồng/kg (tăng giá 300 - 500 đồng/kg so với tuần trước), bầu bí có giá 15.000 - 25.000 đồng/kg, cà chua có giá 20.000 - 25.000 đồng/kg (tăng 500 đồng), bông cải súp lơ xanh có giá 40.000 - 60.000 đồng/kg (tăng 700 đồng/kg), khoai tây có giá 45.000 - 55.000 đồng/kg…

Không chỉ mặt hàng rau xanh tăng giá nhẹ, các mặt hàng trái cây phục vụ thị trường Tết khi về chợ lẻ cũng tăng giá khoảng 10 - 20% so với đầu tuần, như bưởi da xanh có giá 80.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại, dưa hấu có giá 25.000 - 45.000 đồng/kg, quýt đường có giá 60.000 - 80.000 đồng/kg, thanh long có giá 45.000 - 65.000 đồng/kg…

Mặc dù, các mặt rau, củ, quả có tăng lên nhưng sức mua rất yếu, anh Phạm Văn Hoàng, chủ cửa hàng hoa quả ở chợ Phan Huy Chú chia sẻ, giá các mặt hàng hoa quả đều tăng lên nhưng bán hàng rất chậm, người mua rất ít.

Mọi năm giờ này cửa hàng anh đã vãn hết hàng nhưng năm nay vẫn còn non nửa. Đành để lại để bán Tết đầu năm cho người mọi người mua đi lễ chùa.

Chị Lê Kim Oanh, một tiểu thương bán thịt lợn tại Chợ Mơ (Hà Nội) cho biết, mấy hôm nay giá thịt lợn, thịt bò có nhích lên một chút nhưng không nhiều so với ngày thường.

Sản phẩm thịt lợn. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Cụ thể, giá thịt đùi còn 95.000 đồng/kg, thịt vai 80.000 đồng/kg, thịt nạc 90.000 đồng/kg, thịt ba rọi 110.000 đồng, cốt lết 80.000 đồng/kg, chân giò 75.000 đồng/kg, xương có thịt 70.000 đồng/kg. Riêng sườn non giảm 10.000 đồng/kg, còn 150.000 đồng/kg.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, giá thịt lợn hơi ngày 3/2 tại miền Bắc đang dao động từ 46.000 đồng/kg đến 52.000 đồng/kg.

Trong tuần qua vùng này có nhiều biến động trái chiều về giá bán, tuy nhiên đến cuối tuần giá heo hơi vẫn tăng nhẹ. Sau khi tăng nhẹ vào đầu tuần thì đến thời điểm này Hà Nội lại giảm 2.000 đồng/kg về mức khoảng 48.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia kinh tế nguyên nhân giá thịt lợn, gia cầm không tăng là do các doanh nghiệp giảm giá sớm cộng với sức mua thị trường không đạt như kỳ vọng đã giữ giá bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống ổn định. Không có hiện tượng "giá Tết" tại các chợ lẻ, chợ lề đường như thông lệ các năm.

Đại diện Nhà máy CP cho biết, hiện nhà máy của CP có hai sản phẩm gồm thịt gà, xúc xích, công suất 64.000 con/ngày, tương đương 4000 tấn/tháng và công suất xúc xích khoảng 1000 tấn/tháng. Về sản phẩm đã phân phối tại các siêu thị và giá bán đang thấp hơn ngoài chợ truyền thống nên không lo ngại về giá.

Ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị sớm, ký hợp đồng với các nguồn cung cấp nguyên liệu, đưa ra thị trường khoảng 400 tấn bánh mứt kẹo phục vụ người tiêu dùng, giá ổn định không tăng so với năm ngoái.

Để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Hiện, có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm) và 3 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 2.700 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các quận, huyện rà soát được 35 điểm giới thiệu cho hệ thống Vinmart và Co.opFood để nghiên cứu phát triển điểm bán hàng cố định phục vụ nhân dân; rà soát 70 địa điểm tổ chức chợ Hoa Xuân phục vụ Tết và đang phối hợp với các sở, ngành xem xét phê duyệt.

Để bảo đảm cung ứng hàng hóa an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Công Thương Hà Nội còn phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các sở, ngành xây dựng, triển khai công tác phục vụ Tết của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về hàng hóa, giá cả, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, các quy định về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ găm hàng tăng giá trái pháp luật, việc thực hiện các quy định về khuyến mại, tổ chức hội chợ trong dịp Tết…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục