Thị trường nhà thông minh tại Việt Nam đang giai đoạn nóng nhất

17:06' - 27/04/2022
BNEWS Thị trường kinh doanh ngành nhà thông minh tại Việt Nam được nhận định đang trong giai đoạn nóng nhất.

Theo khảo sát, tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, 80,5% số người tham gia khảo sát đã biết đến khái niệm "nhà thông minh – smart home" và mới có 10,9% số người sử dụng trực tiếp.

Thị trường nhà thông minh tại Việt Nam đang rộng mở với rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ. Với xu hướng của chuyển đổi số, các thiết bị kết nối internet thông minh (IoT) tăng cao, dự báo thị trường nhà thông minh – smarthome tại Việt Nam sẽ đạt mức hơn 453 triệu USD vào năm 2026.

 

Thông tin trên được Công ty Cổ phần Lumi Việt Nam (Lumi Việt Nam) công bố trong báo cáo đầu tiên về lĩnh vực nhà thông minh tại Việt Nam 2022 tại hội thảo ngành IoT/Smarthome Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, ngày 27/4.
Nhà thông minh là khái niệm nhà với những thiết bị và độ gia dụng có thể hoạt động tự động và điều kiển từ bất kỳ đâu bằng điện thoại thông minh (smartphone) hoặc các thiết bị được kết nối mạng khác (máy tính, máy tính bảng, bảng điều khiển…).

Các thiết bị được kết nối với nhau qua mạng internet, cho phép người dùng kiểm soát các chức năng trong ngôi nhà của mình như: Kiểm tra hệ thống an ninh, ánh sáng, điện, nước, các thiết bị điều khiển từ xa…
Năm 1898, nhà phát minh người Hoa Kỳ Nikola Tesla công bố phát minh ra điều khiển từ xa. Đây là mốc đánh dấu sự ra đời của các thiết bị thông minh được điều khiển gián tiếp. Khoảng một thế kỷ sau, những năm đầu của thế kỷ XX (những năm 1900s), thế hệ đầu tiên của máy hút bụi, máy sấy quần áo, máy giặt, tủ lạnh, máy rửa bát chạy bằng điện lần lượt được ra đời. Năm 1966, thế hệ loa tự động hóa thông minh đầu tiên (Echo IV) ra đời.

Năm 2002, chính thức có hệ thống tiêu chuẩn Konnex (KNX) đánh giá hệ thống quản lý và điều khiển tòa nhà thông minh. Đến nay, thị trường các thiết bị thông minh bùng nổ toàn cầu, tại Việt Nam, nhà thông minh là cụm từ được nhắc đến ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lumi Việt Nam cho biết, năm 2022, doanh thu thị trường toàn cầu nhà thông minh ước tính là 126,1 tỷ USD và sẽ tăng lên thêm 60% (tương đương khoảng 207,8 tỷ USD). Đặc biệt, trong thời gian 2 năm dịch COVID-19 vừa qua, 70% người tiêu dùng có xu hướng nâng cấp nhà ở và 51% lựa chọn sử dụng các thiết bị thông minh để thay đổi cuộc sống.

Tại Việt Nam, năm 2022, ước tính doanh thu của thị trường nhà thông minh đạt gần 240 triệu USD, đến năm 2026, dự kiến mức tăng trưởng thêm 52% (tương đương hơn 453 triệu USD). Thị trường kinh doanh ngành nhà thông minh tại Việt Nam được nhận định đang trong giai đoạn nóng nhất.

Với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 30%, việc cạnh tranh cung cấp giải pháp, trang thiết bị trong lĩnh vực nhà thông minh diễn ra mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu của châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Với 3 lợi ích quan trọng: tiện ích – an toàn – tiết kiệm thời gian, nhà thông minh trở thành xu hướng lựa chọn của mọi người. Lựa chọn nhà thông minh là ý kiến của 77,2% nam giới và 22,8% nữ giới, của 38% những người có thu nhập từ 30-50 triệu đồng. Chỉ khoảng 12,5% người có thu nhập dưới 20 triệu đồng lựa chọn các giải pháp nhà thông minh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh phân tích, lĩnh vực nhà thông minh đang gặp một số rào cản như: sự chưa tương thích của các thiết bị thông minh, khó sử dụng, chưa có tiếng việt, tính ổn định và bảo mật chưa cao.

Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất (chiếm 40,6%) là do sự chưa tương thích của các thiết bị trong kết nối tổng thể. Hiện nay, giao thức Matter (giao thức truyền tải thông tin mã nguồn mở, được tạo ra bởi hơn 200 công ty, sử dụng tất cả các công nghệ sẵn có để phát triển nền tảng) đang là giải pháp cho vấn đề tương thích để kết nối, thống nhất và đồng bộ.

Các sản phẩm nhà thông minh, thiết kế ưu tiên cho người Việt - Make in Vietnam từ Lumi Việt Nam đang nỗ lực để tạo ra hệ sinh thái nhà thông minh với hệ thống các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới như: Công tắc cảm ứng thông minh, bộ điều khiển trung tâm, đền thông minh, cảm biến chuyển động, khóa thông mình… để phù hợp với xu hướng phát triển tại Việt Nam và trên thế giới.
* "Vietnam Smarthome Report 2022" là báo cáo đầu tiên với các thông tin chuyên sâu, chi tiết và toàn cảnh về thị trường nhà thông minh tại Việt Nam do Lumi Việt Nam thực hiện trong thời gian 30 ngày với 10.000 đối tượng trả lời khảo sát. Báo cáo được công bố trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Công ty Cổ phần Lumi Việt Nam - đơn vị nhận 2 năm liên tiếp giải thưởng Sao Khuê 2021-2022 trong hạng mục nền tảng nhà thông minh xuất sắc do Hiệp hội Công nghệ thông tin và Phần mềm Việt Nam (VINASA) tổ chức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục