“Thủ phủ” thanh long cả nước hướng tới vùng nguyên liệu an toàn

09:31' - 12/05/2019
BNEWS Với diện tích trên 29.000 ha và sản lượng hàng năm đạt gần 600.000 tấn, Bình Thuận hiện được xem là “thủ phủ” thanh long của cả nước.

Từ lâu, thanh long đã trở thành cây làm giàu của người nông dân ở Bình Thuận. Tuy nhiên, việc diện tích thanh long tăng nhanh trong khi thị trường tiêu thụ vẫn chưa ổn định đang đặt ra rất nhiều thách thức.

Vì vậy, để thanh long phát triển bền vững và trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, Bình Thuận đang tập trung đẩy mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị và xây dựng vùng nguyên liệu an toàn.

*Tìm lối đi bền vững

Nếu như năm 2008, toàn tỉnh Bình Thuận chỉ có hơn 10.000 ha thanh long với sản lượng khoảng hơn 240.000 tấn thì sau hơn 10 năm, con số này đã tăng 29.000 ha và sản lượng hơn 600.000 tấn. Con số này chứng minh cho sự phát triển như “vũ bão” của thanh long Bình Thuận. Diện tích, sản lượng tăng nhanh nhưng thị trường tiêu thụ trái thanh long vẫn chủ yếu là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, chiếm 80% sản lượng.

Nông dân Bình Thuận chăm sóc cây thanh long. Ảnh: TTXVN

Một thực tế hiện nay là việc tiêu thụ thanh long chủ yếu theo kênh phân phối truyền thống qua nhiều khâu trung gian và người nông dân tự thực hiện sản xuất và tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Phương thức giao dịch giữa nông dân với người cung cấp các yếu tố đầu vào và các nhà thu mua đều thực hiện thỏa thuận bằng miệng và thường bị chi phối bởi thị trường và người sản xuất bị chi phối bởi thương lái trong việc quyết định giá cả và tiêu thụ sản phẩm.

Thêm vào đó, việc nông dân chưa chú trọng đến các quy trình sản xuất an toàn VietGap, GlobalGap cũng đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của thanh long Bình Thuận trên thị trường.

Trước thực tế đó, để mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, nhiều hợp tác xã chuyên canh thanh long ở Bình Thuận đã mạnh dạn tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo quy trình an toàn và chế biến đa dạng các sản phẩm từ thanh long. Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc là một điển hình.

Ông Trần Đình Trung, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến cho biết, hợp tác xã khởi đầu là một tổ hợp tác sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, qua quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các thành viên tổ hợp tác nhận thấy, để trái thanh long xâm nhập được vào thị trường châu Âu thì quy trình sản xuất phải được nâng cao hơn nữa. Vì vậy, năm 2016, Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến chính thức thành lập và đi vào hoạt động với tiêu chí sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP để vào thị trường châu Âu. Đó cũng là xu hướng phát triển tất yếu nếu muốn nâng tầm giá trị cạnh tranh trái thanh long.

Chuỗi kiên kết này nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long, tạo chu trình khép kín trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long thông qua các Liên hiệp Hợp tác xã thanh long làm đầu mối và nòng cốt; khuyến khích tiêu thụ nông sản bằng hợp đồng có định hướng để mở ra hướng đi tích cực.

Thu hoạch thanh long tại Bình Thuận. Ảnh: TTXVN

Ông Võ Hồng Chiến, thành viên Hợp tác xã Thuận Tiến cho biết, trồng thanh long GlobalGAP đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật canh tác, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo môi trường, an toàn cho người sản xuất… Tuy nhiên, với cách làm này, sản phẩm trái tiêu thụ ổn định với giá thành cao hơn so với giá thương lái thu mua trên thị trường, từ đó nông dân yên tâm sản xuất, chỉ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng trái.

Nhờ hỗ trợ từ các dự án và với quyết tâm của các thành viên, sau hơn 2 năm hoạt động, sản phẩm trái thanh long của Hợp tác xã đã chinh phục được những thị trường mới như: Pháp, Đức, Mỹ, Hàn Quốc… với sản lượng xuất khẩu chính ngạch hàng tháng khoảng 20 tấn.

Để giảm áp lực tiêu thụ trái tươi cũng như đa dạng hóa sản phẩm từ nguồn nguyên liệu lợi thế, Hợp tác xã thanh long Hàm Đức, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc đầu tư sản xuất rượu vang thanh long. Do sản xuất ngay vùng nguyên liệu nên giá cả của vang thanh long được thị trường đón nhận. Hiện sản phẩm này đã có mặt tại nhiều điểm bán trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Gần đây, Hợp tác xã thanh long Hàm Đức còn mạnh dạn đưa sản phẩm đi chào hàng ở nước ngoài; trong đó, có thị trường Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia…và dự kiến sẽ xúc tiến ký kết hợp đồng tiêu thụ với Campuchia và Trung Quốc.

Đại diện hợp tác xã cho biết, hiện tại hợp tác xã đang tập trung sản xuất rượu vang thanh long đỏ và trắng với khả năng cung ứng khoảng 100.000 lít mỗi năm. Không chỉ tận dụng nguồn nguyên liệu quá dồi dào tại địa phương, nhất là tiêu thụ trái thứ phẩm trong mùa chính vụ, việc sản xuất rượu vang còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cáo giá trị trái thanh long.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, đến nay toàn tỉnh có 30 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thu mua và chế biến thanh long. Phần lớn các hợp tác xã thành lập đều định hướng sản xuất thanh long theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Điều này góp phần từng bước tìm kiếm được thị trường, giải quyết một phần đầu ra cho sản phẩm trái thanh long Bình Thuận.

*Hình thành vùng nguyên liệu thanh long an toàn

Đến đầu năm 2019, Bình Thuận có hơn 10.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, chiếm khoảng 1/3 diện tích thanh long và 264 ha sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Sơ chế thanh long xuất khẩu. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Đã từng có thời gian người nông dân không mặn mà với các tiêu chuẩn này bởi trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp nào chuyên thu mua sản phẩm làm theo VietGAP và giá cả không có sự chênh lệch giữa VietGAP với cách làm truyền thống.

Tuy nhiên tháng 3/2019, việc Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Nafoods Group ký bản thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thanh long đỏ và trắng an toàn, hữu cơ phục vụ xuất khẩu đã mở ra một kỳ vọng mới để người trồng thanh long sản xuất theo quy trình an toàn. Từ đó, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, có ý thức bảo vệ sức khỏe cho người trồng lẫn người tiêu dùng…

Theo như ký kết, một vùng nguyên liệu thanh long an toàn, hữu cơ với quy mô tối thiểu 10.000 ha sẽ được hình thành tại tỉnh Bình Thuận với mục tiêu tạo ra 60% sản phẩm thanh long đạt tiêu chuẩn VietGap và 40% sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ để phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Phía Công ty cổ phần Nafoods Group có trách nhiệm cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, tư vấn kỹ thuật và giới thiệu tư vấn cấp chứng chỉ an toàn và hữu cơ đối với các sản phẩm mà công ty thực hiện.

Trong phạm vi hợp tác, Nafoods Group sẽ tổ chức huấn luyện, đào tạo kỹ thuật cho nông dân, đồng thời bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cả ổn định, hợp lý. Nafoods Group cam kết áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và tăng nguồn đóng góp cho ngân sách.

Trước thông tin này, nhiều nhà vườn ở huyện Hàm Thuận Bắc tỏ ra vui mừng và phấn khởi. Người dân kỳ vọng, khi triển khai thực hiện theo thỏa thuận hợp tác, điều lợi nhất mà chương trình đem lại là nông dân được bao tiêu sản phẩm, thanh long được xuất khẩu theo đường chính ngạch, mang lại giá trị kinh tế cao.

Nông dân sẽ không còn tình trạng bị tư thương ép giá. Hy vọng thanh long Bình Thuận sẽ tiếp tục chinh phục được những thị trường khó tính./.

Xem thêm:

>>Giải pháp mới giúp trồng thanh long trái vụ tiết kiệm điện

>>Tiền Giang chuẩn hóa nhiều đặc sản tiêu biểu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục