Thủ tướng Phạm Minh Chính: Để con số thống kê “biết nói” và thực chất hơn

15:48' - 17/03/2022
BNEWS Ngành thống kê cần phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn để phát triển nhanh, bảo đảm chất lượng chuyên môn. Ngành cần thấm nhuần các tiêu chí, yêu cầu là khách quan, trung thực...

Phát biểu tại Hội nghị Thống kê toàn quốc “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả”, tổ chức ngày 17/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành thống kê cần tập trung chuyển đổi số, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng hoạt động; tạo bước chuyển trong nhận thức của các lãnh đạo các cấp về công tác thống kê, chú trọng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thống kê, tạo bộ máy tinh gọn… Ngành cũng phải làm cho con số thống kê “biết nói” hơn, thực chất hơn.

* Một số chỉ tiêu thống kê vẫn ở số liệu thô

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thông tin thống kê đóng vai trò hết sức quan trọng, là nguồn thông tin chính thống, là cơ sở để đánh giá, phân tích, dự báo tình hình kinh tế-xã hội cả nước và của từng ngành, lĩnh vực, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Hệ thống thống kê gồm thống kê bộ, ngành và địa phương, có nhiệm vụ sản xuất và cung cấp thông tin thống kê nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ này, trong những năm qua, Thống kê Việt Nam với nòng cốt là Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngừng nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường phối hợp, tổ chức triển khai công tác thống kê, thực hiện Luật Thống kê và các Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, công tác thống kê thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế, như: chưa có một cơ sở dữ liệu tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin thiếu đồng bộ; sự phối hợp chia sẻ dữ liệu từ bộ, ngành và địa phương cho Tổng cục Thống kê còn chưa hiệu quả. Công tác thống kê của một số bộ, ngành và địa phương chưa thực sự được quan tâm dẫn đến thiếu thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, kịp thời; ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, điều hành…

Cùng với đó, tổ chức, bộ máy thống kê ở một số bộ, ngành chưa được hoàn thiện; nhân lực làm công tác thống kê mỏng, không ổn định, chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê. Cơ sở vật chất cần thiết và kinh phí cho thống kê còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện công việc. Đặc biệt, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thống kê chưa hiệu quả; ý thức chấp hành pháp luật thống kê của một bộ phận doanh nghiệp và người dân chưa nghiêm, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê chưa đủ mạnh để tạo sự răn đe.

Nhận định về thực trạng công tác thống kê, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Quý Kiên cũng cho rằng, số lượng và chất lượng thông tin thống kê, mặc dù, được nâng lên nhưng vẫn còn một số lĩnh vực thiếu thông tin hoặc thông tin chưa đảm bảo độ tin cậy cũng như tính kịp thời để đáp ứng yêu cầu đánh giá, phân tích phục vụ quản lý Nhà nước. Công tác phân tích và dự báo còn hạn chế, một số chỉ tiêu thống kê vẫn dừng lại ở việc cung cấp số liệu thô và phân tích đánh giá sơ bộ, chưa chú trọng các sản phẩm phân tích, dự báo chuyên sâu…

Đại diện cho các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Tường Văn cho rằng, nhân sự làm thống kê ở một số cơ sở, ngành và cấp xã còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, không ổn định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào thống kê trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn những hạn chế và bất cập, chưa được chia sẻ và khai thác kịp thời các kết quả.

Còn ông Phan Minh Khuê, Chi cục trưởng chi cục Thống kê Yên Thành, tỉnh Nghệ An cũng chỉ ra những bất cập ở cấp huyện như trong hoạt động thống kê, người làm công tác thống kê luôn phải bám sát địa bàn, bám sát cơ sở nơi cung cấp thông tin thống kê để bảo đảm thông tin thống kê khi thu thập được phải khách quan, chính xác, trung thực. Trong khi đó, mỗi Chi cục Thống kê cấp huyện có khoảng 3-5 người nên gặp rất nhiều khó khăn, vất vả ở những địa bàn huyện có diện tích rộng lớn…

* Đổi mới và nâng cao chất lượng

Với mục tiêu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới được đề ra trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo cho hoạt động thống kê nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, kết nối dữ liệu của các bộ, ban, ngành và địa phương.

Cùng với đó, Chính phủ sớm ban hành mã số của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đơn vị thường trú trong nền kinh tế Việt Nam làm nền tảng kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia nói chung và cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia nói riêng.

Người đứng đầu ngành thống kê cũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin đầu vào cho Tổng cục Thống kê để biên soạn số liệu, báo cáo kinh tế - xã hội hàng tháng, quý, năm phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tăng cường nhân lực làm công tác thống kê của bộ, ngành; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức làm thống kê…

Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thu thập thông tin thống kê, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Tổng cục Thống kê cần rà soát, điều chỉnh các chương trình điều tra cơ bản, định kỳ; quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để đảm bảo cho việc tổng hợp, báo cáo số liệu đạt kết quả cao nhất. Cùng đó, rà soát, điều chỉnh lộ trình thực hiện một số chỉ tiêu phát triển bền vững đã đạt được, hoặc vượt lộ trình thực hiện đến năm 2025 và các chỉ tiêu còn nhiều thách thức so với lộ trình thực hiện đến năm 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, bổ sung các chỉ tiêu thống kê khi xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê mới được Quốc hội thông qua; cho giữ nguyên mô hình Chi cục Thống kê cấp huyện độc lập theo đơn vị hành chính như hiện nay.

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động thống kê tại cơ sở với những khó khăn, đại diện người làm công tác thống kê cấp huyện, ông Phan Minh Khuê, Chi cục trưởng chi cục Thống kê Yên Thành, tỉnh Nghệ An kiến nghị bổ sung các chỉ tiêu giá trị, chỉ tiêu về chất lượng trên địa bàn cấp huyện để phục vụ các cấp lãnh đạo trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền cấp huyện.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của thống kê nhà nước trong thời gian tới, người đứng đầu ngành thống kê cho rằng, Thống kê Việt Nam xác định cần hoàn thiện các văn bản pháp luật phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; đồng thời, hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu thống kê; tăng cường bảo đảm và phổ biến thông tin thống kê…

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngành thống kê cần phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn để phát triển nhanh, bảo đảm chất lượng chuyên môn. Ngành cần thấm nhuần các tiêu chí, yêu cầu là khách quan, trung thực, kịp thời, toàn diện… nhằm bảo đảm chất lượng tư vấn, tham khảo và nâng tầm dự báo, đánh giá cho người sử dụng. Người dân phải được thụ hưởng kết quả từ công tác thống kê..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục