Thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia trực tiếp hệ thống phân phối nước ngoài

14:10' - 20/08/2020
BNEWS Việc tăng cường xuất khẩu qua hệ thống phân phối lớn là giải pháp hữu hiệu giúp các sản phẩm Việt, doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp hệ thống phân phối nước ngoài”, sáng 20/8, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Tập đoàn phân phối lớn như Aeon, Wallmart, Central Retail, Lotte, Mega Market và các Hiệp hội ngành hàng tổ chức hội thảo Tập huấn trực tuyến - kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài.

Sự kiện thu hút sự tham gia của khoảng 200 doanh hoạt động trong các ngành hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm chế biến đăng ký tham gia và hàng nghìn doanh nghiệp theo dõi trên các kênh phát sóng trực tiếp trên Facebook và Youtube.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, rất nhiều các hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020” đã được Bộ Công Thương phối hợp với các Tập đoàn phân phối nước ngoài triển khai.

Hoạt động này nhằm hợp tác nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, từ năng lực sản xuất, phát triển thị trường và cả năng lực tài chính để đủ khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng cho các tập đoàn phân phối ở nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức theo hình thức trực tuyến do dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa có những xáo trộn và đứt gẫy.

Cùng với đó, nhu cầu giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như: nông sản, thực phẩm là nhu cầu cấp thiết của các Tập đoàn phân phối cũng như của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Vì vậy, việc tăng cường xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối lớn là giải pháp hữu hiệu, có thể giúp các sản phẩm Việt, doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Thời gian tới, Bộ Công Thương giao Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ phối hợp với một số Tập đoàn phân phối lớn xây dựng bộ cẩm nang hướng dẫn các bước cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên kệ của các siêu thị của các Tập đoàn phân phối lớn trên thế giới.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương không chỉ kết nối đơn giản để hai đối tác có cơ hội gặp nhau mà còn tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Từ việc sẵn sàng và khả năng đáp ứng các tiêu chí để vào hệ thống phân phối nước ngoài đến quy mô sản xuất, khả năng quản lý chất lượng và sản phẩm.

Sau khi đã có sàng lọc nhất định, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các nhà phân phối nhằm tiết kiệm thời gian. Tức là hai bên đã hiểu tương đối về nhau và đến phòng chat room bàn về những vấn đề chi tiết về sản phẩm.

Thông qua Đề án đưa hàng Việt Nam và hệ thống phân phối nước ngoài, Bộ Công Thương mong muốn không chỉ đẩy mạnh được xuất khẩu mà còn xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp có năng lực sản xuất - kinh doanh, có năng lực đáp ứng được các yêu cầu thị trường nước ngoài.

Ông Fukui Tomoiaki - Giám đốc cao cấp bộ phận sản phẩm Tập đoàn AEON bày tỏ, quan điểm xuyên suốt của AEON là mang đến cho khách hàng các sản phẩm an toàn, an tâm, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện từ trang trại đến bàn ăn.

Chính vì vậy, sản phẩm thịt bò Tasmania đang được bán tại hệ thống phân phối của AEON được lấy từ trang trại chuyên dụng; cá được nuôi trong nước biển sạch của Nhật; cá hồi Đại Tây Dương được đánh bắt từ vùng cực Bắc Na Uy… AEON luôn hành động trên quan điểm lợi ích khách hàng, muốn hợp tác mang đến cho khách hàng Nhật Bản, Việt Nam và các quốc gia khác nhiều sản phẩm hơn nữa.

Theo ông Fukui Tomoiaki, 6 tháng đầu năm AEON đã xuất khẩu 268 triệu USD hàng hóa Việt Nam. Dự kiến cả năm, AEON sẽ đạt kim ngạch 500 triệu USD, theo đúng cam kết với Bộ Công Thương trong thỏa thuận hợp tác trở thành đối tác chiến lược.

Bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market cho rằng, nhà cung cấp của MM Mega Market cần đảm bảo chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bởi hệ thống của MM Mega Market không chỉ cung cấp sản phẩm cho các khách hàng cá nhân mà còn là đối tác là các nhà hàng, căng tin, khách sạn, bếp ăn công nghiệp nên đây là giải pháp phát triển kinh doanh bền vững.

Còn theo ông Karim Noui - Giám đốc thu mua và xuất khẩu Tập đoàn Central Retail, thành công của Tập đoàn không chỉ gói gọn trong kinh doanh mà còn cam kết chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng Việt.

Nhiều chương trình nâng đỡ cộng đồng và doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Tập đoàn triển khai các năm qua như Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan thường niên; Tuần lễ hàng nông sản được tổ chức khắp các địa phương Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển toàn diện thương hiệu cạnh tranh để thâm nhập được vào hệ thống phân phối bán lẻ; hỗ trợ nông dân địa phương phát triển sinh kế bền vững thông qua các chương trình thu mua nông sản với mức chiết khấu 0%…

Cùng với hỗ trợ người tiêu dùng ở thị trường nội địa, Tập đoàn này cũng xúc tiến đưa hàng hóa ra thế giới với chất lượng được đảm bảo bởi chính thương hiệu của Central Group. Đây cũng là tiêu chuẩn mà Tập đoàn đặt ra khi thu mua hàng hóa tại Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục