Thực hiện 9 dự án bảo tồn, trùng tu tại hệ thống di tích Cố đô Huế trong năm 2017

12:16' - 11/01/2017
BNEWS Ngày 11/1, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017. Theo đó, thực hiện 9 dự án bảo tồn, trùng tu tại hệ thống di tích Cố đô Huế trong năm nay.
Di tích Minh Thành Lâu thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế đang trong giai đoạn trùng tu. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Chín dự án bảo tồn, trùng tu tại hệ thống di tích Cố đô Huế trong năm nay, gồm di tích Ngọ Môn và điện Thọ Ninh (giai đoạn 2); di tích Bi Đình (Lăng Tự Đức); hạng mục khu tẩm điện, khu lăng mộ (Lăng Dục Đức); hệ thống tường và cổng Tử Cấm Thành và di tích Hổ Quyền (giai đoạn 1); di tích Nghinh Lương Đình; miếu Long Châu và hạ tầng kỹ thuật khu vực Hoàng Thành.

Ngoài trùng tu di sản, năm 2017, Trung tâm tiếp tục khai thác tốt hơn tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản". Điểm mới trong năm nay là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa bán vé tham quan Hoàng cung Huế vào ban đêm, từ 18 giờ 30 đến 22 giờ hằng ngày, giá vé không thay đổi so với giá vào cổng ban ngày (có thể bắt đầu từ quý 2/2017), nhằm tạo thêm dấu ấn cho du khách khi đến Huế. Tuyến tham quan Hoàng cung Huế về đêm dự kiến là: Ngọ Môn - điện Thái Hòa - Thế Miếu - cung Diên Thọ - cung Trường Sanh - lầu Tứ Phương Vô Sự; đồng thời kết hợp với trục phía đông Duyệt Thị Đường - khu Phủ Nội Vụ.

Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết: Việc mở cửa về đêm sẽ tạo điều kiện để du khách có thêm thời gian khám phá cố đô Huế, nhất là trong không gian huyền ảo lung linh của Hoàng cung. Bên cạnh đó, Trung tâm đang nghiên cứu tổ chức thêm một số hoạt động trưng bày, giới thiệu, diễn giải về các giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng... của xứ Huế, chủ yếu là các giá trị tiêu biểu của văn hóa cung đình, với những hoạt động chính như: lễ đổi gác, trình diễn Đại nhạc, Tiểu nhạc, trung tâm diễn giải tín ngưỡng thờ cúng cung đình tại Hiển Lâm Các, các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại cung Trường Sanh, Nhã Nhạc ở Duyệt Thị Đường, thao diễn các nghề truyền thống ở Phủ Nội Vụ...

Di tích Phu Văn Lâu thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế sau khi được trùng tu. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Khai thác không gian Đại Nội Huế về đêm làm phong phú, hấp dẫn hơn tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản". Đó không chỉ thương hiệu vốn có của riêng Huế trên phương diện bảo tồn di sản mà còn là làm mới sản phẩm cho ngành du lịch của vùng đất Cố đô. Hy vọng, với sự thay đổi này, Huế sẽ khai thác và phát huy tốt các kho tàng di sản vô giá mà các thế hệ cha ông đã trao truyền lại, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định.

Năm 2016, Trung tâm thực hiện bảo tồn, trùng tu 18 công trình, với tổng nguồn vốn đạt gần 177,9 tỷ đồng; trong đó có 8,65 tỷ đồng vốn viện trợ và hơn 3,1 tỷ đồng vốn xã hội hóa. Các công trình tiêu biểu được bảo tồn, tu bổ và phục hồi: Di tích Dực Lang DL-02B, Đại Nội Huế; di tích Thái Bình Lâu - Vườn Thiệu Phương; tổng thể Lăng Thiệu Trị; Lăng Đồng Khánh; Lăng Tự Đức; di tích Phu Văn Lâu; Tả Tùng Tự - Thế Miếu...

Nhờ bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di tích, năm 2016, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đón hơn 2,5 triệu lượt khách đến thăm khu Di sản Huế, tăng gần 500 ngàn lượt khách; trong đó, lượng khách quốc tế tham quan di tích Huế đạt trên 1,4 triệu lượt khách, tăng hơn 15% so với năm 2015. Doanh thu từ vé tham đạt trên 260 tỷ đồng, đạt 131% kế hoạch cả năm.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục