Thực hiện lệnh cấm biển trước ảnh hưởng của bão số 14

15:36' - 18/11/2017
BNEWS Trước diễn biến của cơn bão số 14 (bão Kirogi), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã có Công điện khẩn số 02/CĐ-PCTT về việc cấm tàu thuyền ra khơi.

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 14 có tên quốc tế là Kirogi đang đi vào khu vực Nam Trung bộ, khu vực ảnh hưởng gián tiếp mở rộng đến Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre với mưa lớn và dông kèm gió mạnh, lốc xoáy.

Trưa 18/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã có Công điện khẩn số 02/CĐ-PCTT về việc cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản; phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến hoạt động trước diễn biến của bão số 14.

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên sông, trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn, chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động thủy sản.

Sở Giao thông Vận tải thành phố, Cảng vụ Hàng hải thành phố và UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh cấm xuất bến hoạt động. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 1 giờ ngày 19/11 cho đến khi có lệnh mới.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các quận, huyện, phường, xã, thị trấn triển khai ngay phương án chi tiết để huy động vật tư, phương tiện, các lực lượng giúp nhân dân chằng chống nhà cửa chắc chắn, đặc biệt là ở khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm;

UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các quận, huyện, phường, xã, thị trấnchuẩn bị ngay phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn, đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi tạm cư. UBND huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông biển đến các địa điểm kiên cố ngay khi có lệnh của Ủy ban nhân dân thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện còn 42 tàu thuyền công suất trên 90 CV hoạt động trên biển, trong đó có 2 chiếc ở khu vực Côn Đảo, 7 chiếc khu vực quần đảo Hoàng Sa, một chiếc ở đảo Thổ Chu. Các tàu thuyền này đã được thông tin về đường đi, diễn biến của bão số 14.

*“Kiên quyết cấm tàu thuyền ra khơi, tàu thuyền hoạt động ở khu vực ven biển, vùng cửa sông kể từ 10 giờ ngày 18/11 cho đến khi có thông báo mới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập chỉ đạo tại cuộc họp bàn phương án phòng chống, ứng phó bão số 14 vào sáng 18/11.

Báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre cho biết: toàn tỉnh có 2.350 tàu thuyền đánh bắt với 12.470 ngư dân. Đến 10 giờ ngày 18/11, có 967 tàu neo đậu tại bến, 610 tàu đánh bắt ven bờ và 773 tàu đánh bắt xa bờ. Hiện các ngành chức năng đã và đang khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền vào bờ tránh bão.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Lập chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường kiểm tra các tuyến đê bao, khu vực ven biển, cửa sông, các cồn,…bố trí lực lượng gia cố, khắc phục những nơi còn thấp, xung yếu và có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng phương án ứng phó tình huống triều cường kết hợp với mưa to gây nước dâng, tuyệt đối không để xảy ra vỡ đê.

Đặc biệt, các địa phương cần lưu ý khu vực các cồn: Phú Đa – Phú Bình (huyện Chợ Lách); cồn Tam Hiệp (huyện Bình Đại); cồn Thành Long (huyện Mỏ Cày Nam)… tiếp tục khẩn trương khắc phục những khu vực đã, đang và có nguy cơ bị sạt lở, tổ chức canh gác, tuần tra theo dõi chặt chẽ tình hình sạt lở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành, các xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát phương án ứng phó thiên tai của địa phương, triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong công tác phòng tránh, ứng phó bão; Sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân, chủ động sơ tán tại chỗ khi có nguy cơ bị ảnh hưởng, đặc biệt là người dân tại các khu vực nguy hiểm: trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi thủy hải sản, nhà không đảm bảo an toàn.

Đối phó với bão số 14, sáng 18/11, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức họp khẩn với các ngành chức năng và các địa phương.

UBND tỉnh chỉ đạo cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyền vào khu vực nguy hiểm; tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.

Công tác quản lý, kiểm đến tàu thuyền đang hoạt động trên biển cũng đã được gấp rút triển khai. Tỉnh chỉ đạo Trung tâm quản lý khai thác công trình thủy lợi kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó, bố trí lực lượng trực canh tại chỗ tại các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã đầy nước, chủ động nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời để bảo đảm an toàn công trình và hạ du khi hồ xả lũ hoặc có sự cố công trình.

Đồn Biên phòng, Ban quản lý cảng cá tổ chức quản lý, kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ, thực hiện lệnh cấm biển kể từ 15 giờ ngày 17/11. Các cơ quan, đơn vị rà soát phương án, trang thiết bị sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm 4 tại chỗ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục