“Thúc” tiến độ nhiều dự án hạ tầng trọng điểm tại Tp. Hồ Chí Minh

17:56' - 18/04/2018
BNEWS Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn dở dang, chậm tiến độ.
Hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn thi công dở dang, chậm tiến độ hoặc đang loay hoay tìm kiếm nguồn vốn thực hiện. Trong ảnh: Công trường thi công nhánh N2 dự án hầm chui An Sương. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Thời gian gần đây, bên cạnh việc hoàn thành nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần quan trọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều dự án thi công dở dang, chậm tiến độ hoặc đang "loay hoay" tìm kiếm nguồn vốn thực hiện.

Tháng 10/2015, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, chủ đầu tư) khởi công dự án BOT đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Dự án dài 2,7km nhưng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên 1.557 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự kiến 20 tháng. Tuy nhiên đến nay, đã gần 3 năm trôi qua nhưng dự án cũng chỉ mới triển khai thi công ở từng phân đoạn.

Ông Trịnh Hồng Chi, Ban quản lý dự án cho biết, đến nay diện tích đất dự án đã giải toả thu hồi đạt 74%, kiểu da beo nên không có đường tiếp cận đưa thiết bị vào thi công. Thậm chí việc chi trả bồi thường hiện cũng chỉ mới đạt 74%. Vẫn còn một số hộ chưa nhận tiền đền bù, chưa di dời nên thi công bị ách lại, máy móc nằm phơi sương từ nhiều tháng nay.

Một dự án mang tính chất liên vùng là đường Vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ lâu nhưng vẫn chưa thể triển khai được do chưa tìm được cơ chế và nguồn vốn thực hiện.

Tuyến đường này dài 89,3 km, đi qua địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An theo lộ trình bắt đầu từ Bến Lức, chạy dọc cao tốc Bến Lức – Long Thành (đang xây dựng) đến Nhơn Trạch, Tân Vạn, Bình Chuẩn, Quốc lộ 22 và kết thúc tại Bến Lức.

Đường Vành đai 3 được chia làm 4 đoạn; trong đó đoạn 1 Nhơn Trạch (Đồng Nai) – Tân Vạn (Tp. Hồ Chí Minh) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 23.600 tỷ đồng; đoạn 2 Mỹ Phước – Tân Vạn đang được tỉnh Bình Dương đầu tư với tổng vốn giai đoạn 1 khoảng 3.500 tỷ đồng; đoạn 3 Bình Chuẩn (Bình Dương) - Quốc lộ 22 (Tp. Hồ Chí Minh) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.800 tỷ đồng; đoạn 4 Quốc lộ 22 – cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.500 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, Sở đang phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long cùng các sở ngành liên quan của thành phố xây dựng dự thảo đề xuất phương án triển khai bằng chuyển đổi vốn và hợp tác công tư.

Trong khi đó, tuyến đường Vành đai 2 cũng chưa được khép kín do còn vướng bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn 1 (bờ cầu Rạch Chiếc đến đường Vành đai phía Đông cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội), đoạn 2 (nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng) và đoạn 4 (từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh). Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố bố trí ngân sách thành phố để giải phóng mặt bằng song song với lựa chọn nhà đầu tư.

Bên cạnh các dự án đang trong tình trạng thi công dở dang, chưa rõ “hình hài” thì cũng có một số dự án đang được khẩn trương thi công, dự kiến đưa vào khai thác trong thời gian ngắn.

Dự án hầm chui dưới cầu Bình Triệu 1, phía quận Bình Thạnh đang được hoàn thiện, dự kiến thông xe vào ngày 20/4 tới đây. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần giảm kẹt xe khu vực cầu Bình Triệu, bến xe miền Đông cũ.

Người dân từ đường Tầm Vu khi qua đường Đinh Bộ Lĩnh sẽ không phải cắt ngang đường Xô Viết Nghệ Tĩnh lưu thông lên cầu Bình Triệu 1. Ngược lại, các xe từ cầu Bình Triệu 2, khi muốn qua khu vực Thanh Đa cũng được thuận tiện hơn khi rẽ phải vào hầm chui để đi qua đường Tầm Vu.

Theo ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (chủ đầu tư), việc xây dựng hầm chui này sẽ xóa điểm nghẽn ở chân cầu Bình Triệu 1 và 2, cũng như giảm ùn tắc cho khu vực Bến xe Miền Đông và ngã năm Đài liệt sĩ.

Dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương chỉ mới thi công từng phân đoạn. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Một dự án giao thông trọng điểm đang được tập trung triển khai là nút giao thông vòng xoay Mỹ Thuỷ, quận 2. Dự án có tổng mức đầu tư 838 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 6/2016. Vào tháng 1/2018 đã thông xe gói thầu hầm chui, giúp phương tiện từ đường Vành đai phía Đông (thuộc Vành đai 2) vào cảng Cát Lái mà không phải di chuyển trên bề mặt nút giao, dễ gây kẹt xe.

Đối với phần cầu vượt trên cao, ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (chủ đầu tư) cho biết, cầu vượt theo hướng Vành đai phía Đông rộng 17m, dài 316m kết nối với đường Võ Chí Công để về cầu Phú Mỹ theo dự kiến ban đầu hoàn thành trong dịp lễ 30/4/2018.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn giao thông khu vực, tránh ảnh hưởng đến công suất hoạt động của cảng Cát Lái nên đơn vị thi công không thể đóng một số luồng để triển khai mà chủ động giãn tiến độ thi công, đến tháng 6/2018 sẽ hoàn thành.

Cũng theo ông Lê Ngọc Hùng, trong tháng 5/2018, dự án cầu qua đảo Kim Cương (quận 2, tổng vốn đầu tư 493 tỷ đồng, khởi công xây dựng ngày 7/9/2017) sẽ tổ chức thông xe. Dự án này sử dụng nguồn vốn từ ngân sách thành phố kết hợp vốn đóng góp của các doanh nghiệp (chủ yếu kinh doanh bất động sản) hưởng lợi từ dự án.

Việc xây dựng cầu qua đảo Kim Cương sẽ giúp người dân phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) không phải lưu thông với xe tải đồng thời giải quyết nhu cầu đi lại từ quận 2 về trung tâm quận 1 qua hầm đường Mai Chí Thọ và hầm vượt sông Sài Gòn.

Tại cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố, sau khi thông xe nhánh hầm chui N1 thuộc dự án hầm chui An Sương (tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng), nhánh hầm chui N2 (hướng huyện Củ Chi về trung tâm thành phố) đang được triển khai ở phía quận 12.

Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở Giao thông Vận tải thành phố, chủ đầu tư) cho biết, riêng phần trên địa bàn huyện Hóc Môn chưa thể thi công được do đang tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng. Sau khi có mặt bằng, chủ đầu tư sẽ tổ chức thi công, hoàn thành trong năm 2018.

Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, trong năm 2018, dự kiến thành phố sẽ thi công và hoàn thành một số dự án giao thông trọng điểm như xây dựng cầu Nam Lý (quận 2, quận 9, gần 860 tỷ đồng), xây dựng đường D1 (kết nối Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và Khu dân cư Him Lam, vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng), xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu Công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2, huyện Nhà Bè, vốn đầu tư 411 tỷ đồng).

Liên quan đến việc đầu tư dự án giao thông, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc khu vực phía Đông thành phố, giảm kẹt xe cảng Cát Lái, khu công nghệ cao, khu chế xuất và khu công nghiệp, Sở Giao thông Vận tải vừa kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho phép các dự án đầu tư được triển khai theo hình thức BT.

Cụ thể là dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường 990 đến nút giao Vành đai 2), dự án nạo vét tuyến sông Tắc (quận 9), xây mới cầu Trường Phước và mở rộng đường Trần Đại Nghĩa (từ nút giao với Quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Long An)./.

>>>TPHCM thu giữ nhiều sản phẩm không nguồn gốc của Công ty Vinaca

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục