Thuốc lecanemab làm chậm suy giảm nhận thức ở bệnh nhân Alzheimer

08:09' - 02/10/2022
BNEWS Thuốc lecanemab - đang được thử nghiệm trong điều trị bệnh Alzheimer - có thể giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng và nhận thức ở các bệnh nhân giai đoạn đầu.

Thông tin này đã được khẳng định trong tuyên bố chung ngày 27/9 của Eisai Co Ltd (Nhật Bản) và Biogen Inc (Mỹ) - hai hãng dược phẩm phối hợp phát triển thuốc lecanemab.

 

Theo Eisai, kết quả thử nghiệm đối với 1.800 bệnh nhân đã chứng minh kết luận được biết đến lâu nay, rằng việc loại bỏ cặn của protein amyloid beta đọng trong não của những người mắc bệnh Alzheimer có thể trì hoãn quá trình phát triển của bệnh.

Tuyên bố nêu rõ ở người sử dụng thuốc tiêm lecanemab, tiến trình thoái hóa não chậm lại tới 27% so với những người dùng giả dược, theo đó đáp ứng mục tiêu chính của nghiên cứu và mang lại "thắng lợi rõ ràng" cho các nhà nghiên cứu.

Điều này cũng mở ra hy vọng cho các bệnh nhân đang tuyệt vọng kiếm tìm liệu pháp hiệu quả.

Bệnh Alzheimer là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chứng giảm trí nhớ ở người già. Bệnh nhân mắc Alzheimer là do mất dần các nơron thần kinh và synap trong vỏ não, một số vùng dưới vỏ.

Bệnh thường nặng dần và ảnh hưởng đến các sinh hoạt hằng ngày, trí nhớ, ngôn ngữ và tư duy của người bệnh. Nguyên nhân gây bệnh thường là do sự tích tụ của protein amyloid beta trong não dẫn đến các tế bào não chết dần.

Aduhelm - một kháng thể đơn dòng nhắm mục tiêu amyloid beta - là loại thuốc đầu tiên được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để điều trị bệnh Alzheimer dựa trên khả năng làm giảm cặn amyloid beta trong não bệnh nhân.

Tuy nhiên có khoảng 40% bệnh nhân được điều trị bằng kháng thể này gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm phù não và xuất huyết. Các chuyên gia cho rằng các tác dụng phụ này có khả năng liên quan đến phản ứng viêm trong não, đôi khi có thể gây chết tế bào thần kinh và làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm nhận thức ở bệnh nhân Alzheimer.

Lecanemab cũng là một kháng thể được thiết kế để loại bỏ cặn lắng của amyloid beta.

Tuy nhiên, khác với Aduhelm, lecanemab nhắm mục tiêu là các protein amyloid beta chưa liên kết.

Hiện Eisai đang chờ được FDA phê duyệt sử dụng, với quyết định dự kiến được đưa ra vào đầu tháng 1/2023. Hãng này cũng cho biết sẽ xin cấp phép tại Nhật Bản và châu Âu trong tài khóa hiện tại, kết thúc vào ngày 31/3/2023.

Theo Hiệp hội bệnh Alzheimer, đến năm 2025, số người Mỹ mắc bệnh Alzheimer dự kiến tăng gấp đôi lên khoảng 13 triệu người so với mức hơn 6 triệu người ở thời điểm hiện tại. Trên toàn cầu, con số này có thể tăng lên 139 triệu người vào năm 2050.

Ngoài Eisai Co Ltd và Biogen Inc, hiện còn có Roche Holding AG (với thuốc gantenerumab) và Eli Lilly and Co's (thuốc donanemab) cũng đang tiến hành thử nghiệm các kháng thể nhắm mục tiêu amyloid beta. Tuy nhiên, 2 loại thuốc này hướng tới các bệnh nhân đã mắc Alzheimer trong thời gian dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục