Thương mại điện tử khẳng định vị thế mới

15:00' - 20/09/2015
BNEWS Dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 30% dân số Việt Nam tham gia mua sắm online và doanh số giao dịch thương mại điện tử trực tiếp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng tăng trưởng 20%/năm.

Mua sắm trực tuyến ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Ảnh: Bnews

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết, sau 5 năm triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015, lĩnh vực thương mại điện tử đã khẳng định được vị trí trong các hoạt động kinh tế - xã hội tại Việt Nam, góp phần tích cực cho sự phát triển nhanh, bền vững của doanh nghiệp và đất nước.

Theo phản ánh của đại diện đến từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, hiện nay các doanh nghiệp không chỉ tích cực giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các chương trình khuyến mại trên môi trường mua sắm di động, mà còn thiết kế các ứng dụng di động riêng cho thương hiệu của mình.

Nhận định về tiềm năng phát triển lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, thương mại điện tử sẽ phát triển sâu rộng trên tất cả các tỉnh, thành phố.

Dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 30% dân số Việt Nam tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người; trong đó doanh số giao dịch thương mại điện tử trực tiếp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) tăng trưởng 20%/ năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ.

Những đánh giá trên được đưa ra tại hội thảo “Chính sách Thương mại điện tử 2015” tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 18/9 do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức.

Hội thảo nhằm lấy ý kiến góp ý của đại diện các địa phương và các doanh nghiệp đối với Kế hoạch tổng thể trong việc định hướng phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020.

Nhận thấy tầm quan trọng của Kế hoạch tổng thể trong việc định hướng phát triển thương mại điện tử, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Kế hoạch tổng thể giai đoạn 2016-2020.

Thương mại điện tử là mô hình hoạt động mới, phức tạp, cần có cơ chế cũng như công cụ quản lý mới và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định về các hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động, nên chưa có cơ sở để xác định mô hình hoạt động cụ thể, cũng như chưa xác định được phương hướng quản lý phù hợp đối với các mô hình hoạt động này.

Ông Hà Ngọc Sơn, đại diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đề xuất: Kế hoạch tổng thể trong việc định hướng phát triển thương mại điện tử, giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Công Thương cần đảm bảo điều phối hài hoà Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia và Chương trinh phát triển Thương mại điện tử địa phương.

Mỹ Phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục