Thương mại điện tử: "Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp chuyển phát

07:20' - 02/12/2015
BNEWS Với 35 - 40% dân số sử dụng Internet hàng ngày, mua sắm trực tuyến đang dần trở thành xu hướng tất yếu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thương mại điện tử và nhà chuyển phát.

Thứ không thể giết chết bạn sẽ làm bạn mạnh hơn”- câu nói nổi tiếng của ông John Spelich, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh Thương mại điện tử quốc tế cho “gã khổng lồ” Alibaba của Trung Quốc dường như trở nên đúng hơn khi đánh giá về dịch vụ chuyển phát qua thương mại điện tử tại Việt Nam.

Với sự phát triển mạnh mẽ của các kênh bán hàng trực tuyến,  "thời cơ" cho các doanh nghiệp chuyển phát  tăng cường đầu tư để tận dụng những tiềm năng lớn từ thị trường thương mại điện tử hiện đang bày ra trước mắt.

 * Từ "phao cứu sinh"…

Tuy chưa có được những kết quả ấn tượng từ việc tham gia kinh doanh thương mại điện tử, song lãnh đạo một số doanh nghiệp bưu chính trong nước đều nhận định đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp bưu chính tăng doanh thu, lợi nhuận. 

Ông Nguyễn Đức Thế, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TM&DV chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco) nhận định, thị trường chuyển phát thư, tài liệu trong nước đang bão hòa. Vì vậy, 3 năm trở lại đây, sản lượng từ mảng kinh doanh dịch vụ thư từ, tài liệu đã giảm đáng kể.

Cùng đó, không ít khách hàng trước đây thường in ấn phẩm tại trụ sở ở Hà Nội và chuyển phát tới các chi nhánh trong cả nước, nhưng hiện nay để giảm chi phí họ chọn cách rải ra in ở nhiều điểm khác như Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh…

Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều tài liệu, ấn phẩm của khách hàng được số hóa, trao đổi qua Internet thay vì dùng cách thức trao đổi qua đường bưu chính.

Còn với Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (ViettelPost), theo đại diện phòng Chiến lược, sản lượng dịch vụ thư, tài liệu của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng, từ khoảng 700.000 thư mỗi tháng (năm 2011) lên 800.000 thư/tháng.

Thế nhưng, thư từ, ấn phẩm chuyển qua mạng ViettelPost chủ yếu là chứng từ, hóa đơn hay giấy tờ bắt buộc phải có dấu, chữ ký xác nhận. 

Vài năm tới, khi chữ ký số được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến hơn, đương nhiên sản lượng thư, tài liệu của doanh nghiệp bưu chính sẽ giảm mạnh. Ảnh: viettelpost.

Chính vì vậy, sự lên ngôi của thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số đã vô hình chung như một cái “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp ngành bưu chính phát triển.

 Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ phát hàng thu tiền (COD) hỗ trợ cho các website bán hàng online trong khâu vận chuyển, thanh toán, một số doanh nghiệp bưu chính đã xây dựng chiến lược phát triển dài hơi với lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử.

Đơn cử, 1 trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của ViettelPost là phát triển thương mại điện tử, tăng cường hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn để chuyển phát hàng, bưu gửi cho các khách mua-bán hàng qua mạng, nghiên cứu xây dựng chợ thương mại điện tử để các doanh nghiệp tham gia giao dịch. 

Với mảng kinh doanh này, cùng với việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng, dịch vụ COD cho khoảng 40 doanh nghiệp bán lẻ, website bán hàng trực tuyến, ViettelPost đang nghiên cứu để phát triển các ứng dụng, công cụ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. 

Theo bà Vũ Thu Thủy, quản lý Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), thay vì giết chết các bưu cục, Internet lại mang đến cơ hội. Sự trỗi dậy của thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến, đặc biệt là mua sắm xuyên biên giới đã tạo ra khối lượng bưu kiện nhỏ khổng lồ mà bưu chính khắp thế giới đang ở vào vị trí lợi thế để xử lý và chuyển phát với giá thấp.

Thay vì bị rơi vào lãng quên, các hãng bưu chính có thể ăn nên làm ra nếu nhanh chóng thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày một phát triển nhanh chóng này.

Song, để tận dụng được lợi thế này, bưu chính cần thay đổi và hợp tác như chưa từng có trước đó. Sự phát triển nhanh chóng của khối lượng bưu kiện loại nhỏ trong thương mại xuyên biên giới chính là phép thử cho bưu chính.

   * Đến phát triển dài hơi

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) khẳng định: Thương mại điện tử không những là yêu cầu mà còn là công cụ tạo thuận lợi cho quá trình chuyển phát hàng hóa và bưu kiện nói riêng cũng như hoạt động logistics (chuyển nhận kho vận) nói chung.

Đáng lưu ý, vài năm trở lại đây dịch vụ chuyển phát đã phát triển mạnh mẽ và bao phủ rộng khắp các tuyến xã trên cả nước.

Mua hàng qua mạng đang dần trở thành xu hướng tất yếu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thương mại điện tử và  doanh ngiệp chuyển phát cùng phát triển. Ảnh: money101.

Tuy vậy, sự phát triển của dịch vụ chuyển phát vẫn chưa theo kịp sự mau lẹ của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Đây là trở ngại lớn với thương mại điện tử", ông Linh nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom),  xu hướng của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đang hướng tới sự chuyên môn hóa cao. Người bán hàng tập trung nguồn lực vào các hoạt động dẫn người mua tới giao kết hợp đồng trực tuyến.

Cùng với đó, các dịch vụ liên quan như lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán, nhận hàng trả lại…có thể thuê ngoài. Các dịch vụ này cơ bản gắn với việc hoàn tất hợp đồng trực tuyến và gọi là dịch vụ hoàn tất đơn hàng.

Do đó, mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà bán lẻ trực tuyến với các nhà cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng sẽ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của thương mại điện tử trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong những năm tới.

Cùng với đó, để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử theo hướng dài hơi, ông Nguyễn Thanh Hưng khuyến cáo các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát cần nâng cao năng lực với chất lượng cao và giá cạnh tranh qua việc mở rộng qui mô doanh nghiệp, đào tạo cán bộ lành nghề cũng như đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin điện tử.

Ngoài ra, phải có sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các nhà bán hàng trực tuyến và công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát để thúc đẩy dịch vụ theo yêu cầu cụ thể của khách hàng./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục