Thụy Sĩ trước nguy cơ bất ổn sau khi kế hoạch cải cách thuế đổ vỡ

11:27' - 14/02/2017
BNEWS Thụy Sĩ đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn sau khi cử tri phản đối một kế hoạch cải cách thuế nhằm giúp quốc gia Trung Âu này duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thụy Sỹ lâm vào nguy cơ bất ổn do những đổ vỡ từ kế hoạch cải cách thuế. Ảnh minh họa: Glassdoor

Việc cử tri phản đối kế hoạch cải cách thuế đã hủy hoại những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm bãi bỏ các mức thuế siêu thấp đối với hàng nghìn công ty đa quốc gia mà không kích hoạt một làn sóng doanh nghiệp rời Thụy Sỹ.

Kế hoạch cải cách thuế trên do chính phủ hậu thuẫn và đã được Quốc hội Thụy Sĩ thông qua, song lại bị 60% cử tri cương quyết phản đối trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 12/2 với lý do biện pháp này gây thêm sức ép lên ngân sách nhà nước cũng như túi tiền của người dân.

Theo đề xuất mới, để tránh đánh thuế nặng hơn lên các công ty đa quốc gia, các bang của Thụy Sĩ sẽ công bố kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp. Phần thuế thiếu hụt sẽ được chính phủ liên bang bù đắp.

Đề xuất mới cũng cho phép cân bằng tỷ lệ thuế suất đối với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, trong khi cắt giảm thuế đối với các công trình sáng tạo cũng như nghiên cứu và phát triển, nhằm thu hút các doanh ngiệp toàn cầu.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Ueli Maurer nhận định việc cử tri phản đối kế hoạch cải cách thuế đang khiến quốc gia Trung Âu này có nguy cơ sẽ biến mất khỏi hệ thống ra-đa của các công ty quốc tế, đồng thời khiến các công ty có thể ngừng đầu tư hoặc thậm chí rút khỏi thị trường Thụy Sĩ.

Ông cũng xác nhận Thụy Sĩ sẽ không hoàn thành được cam kết trước đó với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về việc cải cách hệ thống thuế trong vòng 2 năm để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Quan chức này đồng thời cảnh báo Thụy Sĩ có thể mất 1 năm để đưa ra kế hoạch mới và mất thêm nhiều năm nữa để thực hiện kế hoạch này.

Trong khi đó, giới chuyên gia cũng nhận định Thụy Sĩ thậm chí có nguy cơ bị OECD và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào "danh sách đen" là một nước có mức thuế thấp "ngoại lệ", đồng thời khuyến cáo Chính quyền Bern cần "nhanh chóng tìm kiếm một giải pháp cho một kế hoạch cải cách thuế mới".

Thụy Sỹ nhiều năm trở lại đây nằm trong “tuyến lửa” của EU và câu lạc bộ các nước giàu có của OECD do "trạng thái thuế đặc biệt" mà các bang trao cho các công ty nước ngoài.

Năm 2014, Thụy Sỹ đã nhất trí với OECD đến năm 2019 sẽ xóa bỏ ưu đãi này – vốn là điểm hấp dẫn đối với khoảng 24.000 công ty đa quốc gia đang tìm cách giảm mức thuế phải trả. Chính phủ Thụy Sỹ cho biết, các công ty hưởng ưu đãi thuế trên đang sử dụng 150.000 nhân công và đóng góp một nửa vào thuế doanh nghiệp của liên bang./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục