Tích hợp thêm các dịch vụ công thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia vào tháng 11

17:20' - 09/09/2020
BNEWS Ngày 9/9, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp bàn về việc đưa dịch vụ công cung cấp thông tin quy hoạch, cấp phép xây dựng.

Ngày 9/9, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp bàn về việc đưa dịch vụ công cung cấp thông tin quy hoạch, cấp phép xây dựng của Bộ Xây dựng và thu nghĩa vụ tài chính (thuế) trong thủ tục đất đai lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết, Bộ Xây dựng đã công bố thủ tục cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng, cập nhật và công khai thủ tục cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Về cấp giấy phép xây dựng, đây là dịch vụ công thiết yếu, có số lượng đối tượng thực hiện lớn, là một trong số 20 loại dịch vụ công được Liên hợp quốc đánh giá trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, dịch vụ này liên quan đến nhiều đơn vị: xây dựng, đất đai quy hoạch - kiến trúc và một số cơ quan chuyên môn khác (giao thông, văn hóa...); đồng thời, được chia thành nhiều loại công trình, dự án với hồ sơ, trình tự thực hiện khác nhau.

Vì vậy, để đảm bảo triển khai có hiệu quả, cần phải tái cấu trúc quy trình, lựa chọn một hoặc một số nhóm công trình để triển khai thí điểm trước khi nhân rộng.

Theo đó, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đề nghị trước mắt lựa chọn thực hiện thí điểm với cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ.

Về thanh toán nghĩa vụ tài chính đối với thủ tục hành chính về đất đai, ông Ngô Hải Phan cho hay, hiện nay, việc thanh toán nghĩa vụ tài chính đối với thủ tục hành chính về đất đai chưa được triển khai trực tuyến.

Thực tế, việc thực hiện nộp thuế, lệ phí trước bạ trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến như các loại thuế, lệ phí trước bạ, nghĩa vụ tài chính khác.

Tuy nhiên, hiện người dân, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thủ công. Nguyên nhân là do cơ quan tài nguyên và môi trường chưa công nhận kết quả giải quyết là chứng từ nộp nghĩa vụ tài chính (thuế, lệ phí trước bạ,...) điện tử có ký số của ngân hàng hoặc trung gian thanh toán theo đúng quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP (quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước) và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP (về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử) nên không thể thực hiện được các bước tiếp theo của thủ tục đất đai.

Việc chia sẻ dữ liệu của cơ quan thuế để cung cấp các thông tin về thuế, lệ phí trước bạ trong thực hiện thủ tục đất đai với Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng chưa được thực hiện để làm cơ sở tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng.

“Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trực tuyến toàn quốc trong quý I/2021”, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thông tin.

Để triển khai thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao chỉ số cung cấp dịch vụ công trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bộ Tài nguyên và Môi trường  nghiên cứu tái cấu trúc quy trình, triển khai xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục về đất đai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt có thể lựa chọn thí điểm thủ tục đăng ký biến động làm cơ sở nhân rộng.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đối với việc cung cấp thông tin quy hoạch, Bộ Xây dựng đã gấp rút triển khai, về cơ bản những văn bản pháp lý đã được ban hành; đã cập nhật và công khai thủ tục cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Bộ đang nghiên cứu xây dựng phần mềm triển khai và tích hợp dịch vụ công trực tuyến này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, dự kiến tháng 11 sẽ chính thức vận hành phần mềm này.

Đối với cấp giấy phép xây dựng, các đơn vị của Bộ Xây dựng đã phối hợp khảo sát tại Hà Nội, sắp tới sẽ tiến hành khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh; đồng thời thực hiện tái cấu trúc quy trình cấp giấy phép xây dựng đến mức độ 4.

Trước mắt, Bộ sẽ lựa chọn thực hiện thí điểm với cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ; sẽ thực hiện xây dựng hệ thống tập trung để triển khai toàn quốc. Dịch vụ này sẽ được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để bảo đảm triển khai trên toàn quốc trên cơ sở đã có kết nối, tích hợp với Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh của 63/63 địa phương.

Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Bộ đã hoàn thiện lang pháp lý nhưng gặp khó khăn về sự liên thông giữa các cơ quan xử lý thủ tục về đất đai, vì lĩnh vực giao dịch đất đai bắt buộc phải có cơ sở dữ liệu mới giao dịch được.

Nguồn thu của lĩnh vực này tăng từng năm, nhưng đầu tư lại cho xây dựng cơ sở dữ liệu hiện đại hóa thì không có.

Theo bà Lý Thị Hoài Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế và Tổng cục Đất đai đã có sự liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính từ năm 2016.

Đến nay, 1,6 triệu bộ hồ sơ đã được trao đổi theo phương thức điện tử và triển khai tại 14 tỉnh, thành phố.

Tổng cục Thuế đã ban hành các văn bản đảm bảo cơ sở pháp lý, xây dựng phần mềm ứng dụng hỗ trợ người dân nộp nghĩa vụ tài chính trực tuyến, tất cả đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, với Tổng cục Đất đai, nếu triển khai nộp thuế điện tử sẽ có vướng mắc, bởi hệ thống phân tán, phụ thuộc nhiều hệ thống ứng dụng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều dịch vụ công, tuy nhiên, mới chỉ có 14 dịch vụ công được đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia với số lượng hồ sơ chưa nhiều, do đó cần đẩy mạnh hơn nữa. Quan điểm là làm giàu dần các dữ liệu, Bộ dù có khó khăn nhưng cần quyết tâm triển khai, tận dụng những gì đã có để làm, không chờ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

“Ngay cả việc thông tin quy hoạch các dự án, có thể ai đó rất ngại đưa lên, vì sợ bị bới móc thiếu sót, nhưng đó là những thông tin chúng ta bắt buộc phải công khai, minh bạch trước người dân”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Cho biết các dịch vụ công trên đều là thiết yếu, được người dân, doanh nghiệp mong chờ, nhưng cũng là những dịch vụ phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng đánh giá, nếu được triển khai hiệu quả, các dịch vụ này vừa phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp; đồng thời nâng cao được chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của đất nước.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tái cấu trúc toàn bộ quy trình các dịch vụ trên, để có quy trình chuẩn, đồng thời có phần mềm dùng chung áp dụng cho 63 địa phương.

Đối với dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, cần lựa chọn một số địa phương làm điểm trước sau đó nhân rộng, như tại quận Long Biên (Hà Nội) là nơi ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ trưởng nhấn mạnh mốc tháng 11/2020 có thể đưa các dịch vụ thiết yếu này lên Cổng Dịch vụ công quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục