Tiền Giang đảm bảo diện tích xuống giống vụ Đông Xuân

13:01' - 18/12/2018
BNEWS Vụ Đông Xuân 2018 – 2019, Tiền Giang đảm bảo diện tích xuống giống trên 66.000 ha và thực hiện đồng bộ các giải pháp thâm canh.

Tỉnh phấn đấu đạt năng suất bình quân 71,7 tạ/ha và sản lượng cả vụ trên 476.000 tấn lúa hàng hóa.

Làm đất xuống giống vụ Đông Xuân 2018 - 2019 ở các huyện vùng ngập lũ của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Căn cứ vào dự báo khí tượng thủy văn cuối năm 2018 và đầu năm 2019, tỉnh xây dựng khung lịch thời vụ xuống giống đồng loạt cho từng khu vực cụ thể nhằm phòng chống rầy nâu gây dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Cụ thể, đối với khu vực các huyện thị vùng ngập lũ đầu nguồn tập trung xuống giống từ giữa tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 11/2018; khu vực huyện thị vùng duyên hải phía đông và trung tâm tỉnh xuống giống từ ngày 10/12 và kết thúc vào ngày 20/12/2018.

Những nơi không đảm bảo xuống giống theo lịch thời vụ kể trên thì chuyển đổi sang trồng màu hoặc cây trồng khác nhằm đảm bảo sản xuất an toàn, phòng tránh được thiên tai hạn mặn gây hại.

Từ kinh nghiệm tổ chức sản xuất thành công những vụ trước, vụ Đông Xuân 2018 – 2019, Tiền Giang khuyến cáo nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa khâu làm đất, bơm tát phục vụ sạ dề, sạ vùng đồng loạt trên diện rộng.

Đồng thời, sử dụng cơ cấu giống lúa phù hợp đảm bảo tỷ lệ giống lúa chất lượng cao hướng đến xuất khẩu chiếm từ 80% trở lên.

Các giống chủ lực phù hợp với đặc điểm sinh thái địa phương để cho năng suất, sản lượng chất lượng tốt như: Đài Thơm 8, OM 4900, OM 6976, Jasmine 85, VD 20,…

Để giúp nông dân bội thu trong vụ Đông Xuân 2018 – 2019, Tiền Giang thực hiện tốt việc điều tra, phát hiện, dự báo tình hình sâu bệnh.

Cùng đó, thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân chủ động cập nhật, có biện pháp đối phó phù hợp.

Mặt khác, tỉnh tăng cường mở các lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh tiên tiến như: ba giảm ba tăng, IPM, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa theo tiêu chí VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp, ứng dụng công cụ sạ hàng kết hợp giảm lượng giống gieo sạ, giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo giành vụ mùa bội thu với năng suất và sản lượng cao,…

Tỉnh còn triển khai thực hiện dự án chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại các huyện vùng ngập lũ: Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục