Tiếp tục phiên xét xử Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm

17:47' - 28/01/2019
BNEWS Chiều 28/1, Hội đồng xét xử đã tập trung xét hỏi các bị cáo nhằm làm rõ mục đích việc thuê, mua, nhận chuyển nhượng 7 dự án nhà đất trong vụ án.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại phiên xét xử. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chiều 28/1, trong phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Bắc Nam 79; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Nova Bắc Nam 79; cựu Thượng tá, Phó Trưởng phòng Tổng cục V, Bộ Công an) và các đồng phạm, Hội đồng xét xử đã tập trung xét hỏi các bị cáo nhằm làm rõ mục đích việc thuê, mua, nhận chuyển nhượng 7 dự án nhà đất trong vụ án.

Mặc dù mục đích ban đầu trong các văn bản gửi cơ quan chức năng đều thể hiện việc thuê, mua và nhận chuyển nhượng các bất động sản này là nhằm phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ của ngành Công an, nhưng tại phiên tòa, các bị cáo chưa đưa ra được luận cứ nào để chứng minh nội dung này.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, Phan Văn Anh Vũ cho rằng các dự án nhà đất đã được bị cáo triển khai đều nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ của ngành Công an.

Về mục đích sử dụng các bất động sản đã được UBND thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt cho mua, thuê, bị cáo Phan Văn Anh Vũ khăng khăng cho rằng, bản thân chỉ làm nhiệm vụ phát triển tiềm lực kinh tế của Công ty, đúng nhiệm vụ và chức năng đã được giao.

Tuy nhiên, khi được yêu cầu trình bày cụ thể về nhiệm vụ phát triển tiềm lực kinh tế thì Phan Văn Anh Vũ không trình bày được.

Trên thực tế, lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp bình phong, cùng với sự giúp đỡ của Nguyễn Hữu Bách (cựu Đại tá, Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an), Phan Hữu Tuấn (cựu Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) thông qua các văn bản nghiệp vụ, Phan Văn Anh Vũ đã được hưởng nhiều ưu đãi khi mua bán, chuyển nhượng các dự án nhà, đất công sản này với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường mà không phải qua đấu giá, trái với quy định của pháp luật.

Sau khi thực hiện được việc thuê, mua hoặc chuyển nhượng các dự án nhà đất này, Phan Văn Anh Vũ không dùng vào mục đích phục vụ công tác nghiệp vụ, mà chuyển thành tài sản mang tên cá nhân mình hoặc người thân trong gia đình hoặc chuyển nhượng, liên doanh với người khác nhằm thu lợi bất chính.

Cụ thể, trong dự án nhà đất tại số 15 Thi Sách (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), tháng 12/2015, ngay sau khi được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho thuê trong thời hạn 50 năm, mặc dù chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất đối với ngân sách Nhà nước, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Phan Văn Anh Vũ đã cùng với đối tác là Công ty Novaland xây dựng công trình 18 tầng, thu hơn 1.033 tỷ đồng của 114 khách hàng.

Cảnh sát dẫn giải bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại phiên tòa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đối với khu nhà, đất tại số 319 Lê Duẩn (phường Tân Chính, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng), sau khi Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được nhận quyền sử dụng nhà đất, ngày 29/3/2010, Phan Văn Anh Vũ đã đề nghị và được UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất từ Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 sang cho mình.

Sau đó, Phan Văn Anh Vũ đã cho Công ty TNHH Pizza, chi nhánh Đà Nẵng thuê nhà đất này với giá 110 triệu đồng/tháng và sau này nâng lên 121 triệu đồng/tháng.

Tính đến thời điểm bị bắt (tháng 1/2018), Phan Văn Anh Vũ đã được hưởng lợi từ việc cho thuê nhà đất này là hơn 5,2 tỷ đồng.

Tương tự, tại dự án Khu đất 3.264 m2 tại đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, sau khi được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý chủ trương chuyển quyền sử dụng khu đất cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Phan Văn Anh Vũ đã đề nghị và được UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phan Văn Anh Vũ với lý do: Toàn bộ số tiền nhận chuyển quyền sử dụng khu đất trên là do Phan Văn Anh Vũ nộp.

Tiếp đó, tháng 5/2016, Phan Văn Anh Vũ cho Công ty TNHH I.V.C (do anh rể Vũ làm Giám đốc, Vũ có 66,67% cổ phần trong Công ty này) thuê khu đất này để xây dựng và kinh doanh Trường Mẫu giáo ABC với giá 30 triệu đồng/tháng.

Tính đến thời điểm bị bắt, Phan Văn Anh Vũ đã được hưởng lợi từ việc cho thuê khu đất này là 540 triệu đồng.

Đối với văn bản đã soạn thảo hỗ trợ Phan Văn Anh Vũ trong việc thuê, mua, nhận chuyển nhượng các dự án nhà đất, bị cáo Nguyễn Hữu Bách thừa nhận, nội dung trong các văn bản đều nói rõ “dùng để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ”.

Bị cáo Nguyễn Hữu Bách cho biết, bản thân đã nhận thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề soạn thảo các văn bản đó.

Mặc dù việc soạn thảo văn bản là thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của đơn vị theo đúng chức năng được giao, nhưng sau này, khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Hữu Bách mới biết được các dự án đó không được Phan Văn Anh Vũ thực hiện đúng chức năng như trong văn bản đã soạn thảo.

Với vai trò cựu lãnh đạo Bộ Công an, cả hai bị cáo Bùi Văn Thành (cựu Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) và Trần Việt Tân (cựu Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) đều nhận trách nhiệm của người đứng đầu, không kiểm soát được hoạt động của các đơn vị cấp dưới, các dự án do 2 Công ty của Phan Văn Anh Vũ triển khai đều không thực hiện được mục đích phục vụ hoạt động nghiệp vụ.

Bị cáo Bùi Văn Thành cho rằng, việc bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng.

Tuy nhiên, bị cáo Thành cũng mong muốn Hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân, bối cảnh thực hiện hành vi vi phạm và một số chi tiết liên quan để làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của bị cáo, từ đó có đường lối xử lý phù hợp.

Sáng 29/1, phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại Tòa sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục