Tiết kiệm điện, vấn đề không của riêng ai - Bài 2: Tự nguyện của doanh nghiệp

08:40' - 06/05/2022
BNEWS Nếu các doanh nghiệp chung tay tiết kiệm 1% trong số này, tương đương giảm 1 tỷ kWh/năm, thì số tiền tiết kiệm được là 1.600 tỷ đồng.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện khối sản xuất công nghiệp sử dụng gần một nửa tổng sản lượng điện cả nước, tức là vào khoảng 100 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp chung tay tiết kiệm 1% trong số này, tương đương giảm 1 tỷ kWh/năm, thì số tiền tiết kiệm được là 1.600 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh việc đầu tư các dự án điện gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Ngoài ra, việc tiết kiệm điện cũng  giúp cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

*Thu hồi nhiệt dư

Chi Nhánh Công ty TNHH Long Sơn tại Thanh Hóa - Nhà máy xi măng Long Sơn là một doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn xóm Trường Sơn, Phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Với mức tiêu thụ sản lượng điện hơn 600 triệu kWh/năm, tương đương gần 1.000 tỷ đồng/năm, việc tiết kiệm điện luôn được nhà máy này đặt lên hàng đầu và là một trong những mục tiêu cốt lõi.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH Long Sơn: "Đầu tiên chúng tôi đưa việc quản lý điện năng vào mục tiêu chính và xuyên suốt của nhà máy. Sau đó, tìm giải pháp phù hợp với điều kiện làm việc của nhà máy để giảm tối đa việc sử dụng điện không hiệu quả".

Đặc biệt, Long Sơn đã thực hiện việc thu hồi nhiệt từ quá trình sản xuất clinker, góp phần lớn vào mục tiêu giảm chi phí điện năng trên 1 tấn sản phẩm. Việc thu hồi nhiệt dư đã giúp nhà máy tiết giảm điện hơn 168 triệu kWh/kWh (khoảng 26% tổng tiêu hao điện). Năm tới, doanh nghiệp tìm giải pháp để tiếp tục nâng cao công suất phát điện từ hệ thống nhiệt dư lớn nhất có thể.

Ngoài các giải pháp trên, Xi măng Long Sơn cũng đã trang bị các thiết bị tiên tiến để giảm điện năng, đơn cử như: Lắp đặt và thay thế hệ thống ánh sáng bằng đèn tiết kiệm điện; thiết kế lắp đặt biến tần điều khiển vào các máy có thể tiết kiệm được; thiết kế, viết chương trình điều khiển hệ thống van xả nước tự động cho các bình tích áp trạm nén khí; chỉnh sửa chương trình các lọc bụi túi đóng mở các khoang hợp lý để tiết kiệm tốt nhất…

Vấn đề tiết kiệm năng lượng đã được nhiều doanh nghiệp nhìn rõ. Bởi lẽ, tiết kiệm điện cũng đồng nghĩa với tiết kiệm tiền và điều đó sẽ tác động vào chi phí sản phẩm, phần nào quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tại Khu liên hợp sản xuất Gang thép Dung Quất – Quảng Ngãi, ông Hồ Đức Thọ, Phó giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, áp dụng công nghệ mới ngoài việc giúp công ty tiết kiệm lượng lớn điện tiêu thụ, còn giúp thân thiện môi trường, như giải pháp công nghệ tuần hoàn khép kín. Giải pháp này được áp dụng cho cả hai Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Quảng Ngãi. Vốn đầu tư cho các hạng mục về môi trường của thép Hòa Phát chiếm khoảng từ 20-30% tổng vốn đầu tư các dự án.

Qua tìm hiểu thực tế tại Khu liên hợp sản xuất Gang thép Dung Quất – Quảng Ngãi, nhà máy được trang bị công nghệ lò cao được khép kín, không xả thải ra môi trường, toàn bộ chất thải, khí thải, nước thải đều được xử lý triệt để, tuần hoàn tái sử dụng, không xả nước sản xuất ra môi trường.

Ông Hồ Đức Thọ cho hay, việc sử dụng công nghệ thu hồi nhiệt chạy máy phát điện trong nội bộ khu liên hợp giúp Hòa Phát Dung Quất tự chủ khoảng 70% tổng nhu cầu điện sản xuất. Điện tiết kiệm được sẽ giúp doanh nghiệp tăng cạnh tranh. Đây cũng là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp nếu muốn phát triển một cách bền vững.

*Điều chỉnh phụ tải

Không chỉ chủ động trong các giải pháp tiết kiệm điện, nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh khôi phục kinh tế sau đại dịch, bước vào mùa nắng nóng cũng nhận thấy, đồng hành cùng ngành điện trong việc điều chỉnh phụ tải (DR), thay đổi thời gian sản xuất vào giờ thấp điểm là một cách để giảm thiểu áp lực lên cung ứng điện.

Tại Nhà máy tôn Hoa Sen Nghệ An, doanh nghiệp này hàng tháng tiêu tốn hơn 30 tỷ đồng/tháng tiền điện. Nhờ các giải pháp tiết kiệm điện, nhà máy đã rút xuống chỉ còn khoảng 25 tỷ đồng/tháng tiền điện. Ông Hồ Văn Sỹ, đại diện Nhà máy cho biết, được ngành điện hỗ trợ nhiều về các chương trình điều chỉnh phụ tải, nhất là trong mùa mưa bão, nắng nóng thiếu điện.

"Biết được tình hình khó khăn của ngành điện nói chung trong việc cung ứng điện mùa nóng, chúng tôi thường xuyên họp với ngành điện để tìm giải pháp tiết giảm phụ tải điện ở những máy móc có thể điều chỉnh, đảm bảo đủ điện cấp cho sinh hoạt người dân trong giờ cao điểm. Hiện cơ bản các vấn đề cam kết với ngành điện về điều chỉnh phụ tải đã được phối hợp rất nhịp nhàng", đại diện Nhà máy tôn Hoa Sen Nghệ An nói.

Việc điều chỉnh phụ tải rõ ràng sẽ có ảnh hưởng tới sản xuất, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh dây chuyền sản xuất, cân đối đơn hàng, đảm bảo phối hợp tốt nhất với ngành điện trong chương trình điều chỉnh phụ tải.

Công ty TNHH thép Hòa Phát Hưng Yên có trụ sở tại KCN Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên đang là một khách hàng sử dụng điện của Điện lực Mỹ Hào - Công ty Điện lực Hưng Yên. Đại diện công ty, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy luyện cán thép cho biết, giai đoạn 2019-2020, Thép Hòa Phát Hưng Yên đã phối hợp với Công ty Điện lực Hưng Yên thực hiện 5 sự kiện DR có kế hoạch với mức tiết giảm công suất lớn nhất là 25 MW, đặc biệt trong năm 2021 đã thực hiện sa thải một số phụ tải trong những thời điểm cao điểm mùa Hè khi lưới điện thiếu nguồn.

"Để phối hợp thực hiện tốt các sự kiện DR, công ty đã phân loại nhà máy ra 5 bộ phận sản xuất, đánh giá các mức độ thiệt hại khi các bộ phận này phải ngừng sản xuất đột xuất. Từ đó, chúng tôi phối hợp với Công ty Điện lực Hưng Yên xây dựng quy trình phối hợp vận hành giữa 2 đơn vị nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện và sản xuất ổn định trong các tình huống, kịch bản thực hiện tiết giảm phụ tải khi xảy ra thiếu nguồn, đặc biệt là khi thực hiện các sự kiện DR có kế hoạch và tiết giảm khẩn cấp", ông Tuấn cho hay và kiến nghị, Chương trình điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại chưa có cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia về mặt tài chính. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính thiết thực hơn khi doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh phụ tải nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, chia sẻ nguồn điện cho các phụ tải sinh hoạt.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) là đơn vị tiên phong thực hiện hiệu quả các chương trình về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; trong đó có chương trình DR theo đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Nếu như năm 2019, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện với EVNNPC mới có 2.440 khách hàng (chiếm tỷ lệ 84%), thì đến năm 2020, chương trình DR của EVNNPC đã thu hút 3.303 khách hàng tham gia (đạt tỷ lệ 95,4%). Năm 2021 vừa qua đã có 3.225 khách hàng tham gia điều chỉnh phụ tải tự nguyện tại 27 tỉnh miền Bắc với tổng tiềm năng tiết giảm khoảng 1.000 MW điện.

Các khách hàng tham gia chương trình DR tự nguyện đã dịch chuyển thời gian sản xuất đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất và công suất hoạt động của máy móc nhưng vẫn tiết kiệm được một sản lượng điện nhất định. Từ đó, đảm bảo chia sẻ cùng ngành điện trong những thời điểm thời tiết thiên tai nắng nóng cực đoan có khó khăn về nguồn cung ứng điện phải điều chỉnh phụ tải, điều tiết vận hành để đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện Quốc gia.

Theo ông Vũ Anh Phương, Phó tổng giám đốc EVNNPC, hiện nay, việc điều chỉnh DR đang theo dạng tự nguyện của khách hàng nên các công ty điện lực gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp để điều chỉnh phụ tải. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có các cơ chế tài chính cho việc thực hiện DR, hoàn thiện các chính sách DR; đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm có hướng dẫn chi tiết để thực hiện khuyến khích khách hàng tham gia điều chỉnh phụ tải phi thương mại.../.

Xem thêm:

>> Bài 1:  Tiết kiệm điện, vấn đề không của riêng ai

>> Bài 3:  Thay đổi nhận thức người dân trong tiết kiệm điện

>> Bài cuối: Thêm chính sách khuyến khích tiết kiệm điện

 

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục