Tiểu thương Tp. Hồ Chí Minh ký cam kết không bán hàng nhập lậu, hàng giả

14:58' - 31/05/2017
BNEWS Hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất phổ biến và ngày càng phức tạp, tinh vi.

Ngày 31/5, tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tệ do Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức, các tiểu thương Tp. Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận không tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với Chi cục Quản lý thị trường thành phố.

Các mặt hàng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ bị tiêu hủy. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Theo đó, tiểu thương ở 5 chợ gồm: chợ Bến Thành (quận 1), chợ Kim Biên (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6), chợ Tân Bình (quận Tân Bình), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh); 2 trung tâm thương mại là Saigon Square và An Đông plaza đã cam kết chấp hành quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh, kiên quyết không kinh doanh, tiếp tay cho kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Bên cạnh đó, với việc ký cam kết này, Chi cục quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp cùng Ban quản lý trung tâm thương mại và chợ tăng cường trách nhiệm hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền pháp luật đến tiểu thương kinh doanh, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp sản xuất đều cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất phổ biến và ngày càng phức tạp, tinh vi. Các sản phẩm của công ty, doanh nghiệp, sản xuất và tung ra thị trường chỉ trong một thời gian rất ngắn đã bị làm giả, lưu thông nhiều trên thị trường. Các sản phẩm làm giả, làm nhái thường có xuất xứ từ các nước láng giềng của Việt Nam và một phần được sản xuất, lắp ráp trong nước. Những sản phẩm này, tiềm ẩn nguy cơ và có tác hại lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Ông Jun Okubo, đại diện công ty Yonex (Nhật Bản), cho biết, tất cả các sản phẩm của Yonex hiện đều được làm giả, nhái từ Trung Quốc và chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Các sản phẩm của Yonex như quần áo, giày, vợt cầu lông… không chỉ được bán ở chợ mà còn được bán tại các cửa hàng kinh doanh dụng cụ thể thao lớn, nhỏ.

Đánh giá về hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng phòng nghiệp vụ, Chi cục quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm 2017, đơn vị này đã kiểm tra gần 200 vụ hàng giả, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Qua đó, lực lượng Quản lý thị trường thành phố đã thu giữ gần 2.700 đôi giày dép các loại; hơn 250kg vật liệu chống thấm; gần 49.000 đơn vị sản phẩm gồm quần áo, mắt kính, đồng hồ đeo tay, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… trị giá hàng hóa vị phạm 1,5 tỉ đồng.

>>> Hàng giả, hàng nhái "trà trộn" tại lễ hội hoa Anh đào – Mai vàng Yên Tử

>>> Doanh nghiệp với "trận chiến" chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục