Tìm cách gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản

21:19' - 09/08/2016
BNEWS Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Thị trường nông nghiệp, các mặt hàng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu tốt là cà phê, hạt điều, tiêu, rau quả, thủy sản và lâm sản.
Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Chiều 9/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức họp sơ kết 6 tháng đầu năm Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp và giao ban xuất khẩu với các hiệp hội ngành hàng. 

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Thị trường nông nghiệp, các mặt hàng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu tốt là cà phê, hạt điều, tiêu, rau quả, thủy sản và lâm sản.

Trong khi đó, gạo và sắn là hai mặt hàng có tốc độ suy giảm trong thời gian gần đây, còn cao su và chè tuy tăng về lượng nhưng lại giảm về giá trị.

Các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao đối với các mặt hàng cà phê, hồ tiêu, rau quả, hạt điều và thủy sản. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo và sắn sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Riêng đối với thị trường Nhật Bản, hầu hết các mặt hàng đều giảm đáng kể do nhu cầu thị trường yếu, trừ mặt hàng cà phê tăng 14%, so với 6 tháng đầu năm 2015.

Nguyên nhân chính của giảm xuất khẩu gạo từ quý II là do chưa ký tiếp được các hợp đồng tập trung từ một số thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia để dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, thị trường chịu áp lực từ việc Thái Lan bán gạo tồn kho với giá rất thấp.

Hơn nữa, phía Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý xuất nhập khẩu gạo qua biên giới, chống buôn lậu gạo khiến việc xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch không thuận lợi.

Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, gạo Việt Nam có một số thị trường lớn rất quan tâm là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia và châu Phi nhưng năm nay việc thực hiện hợp đồng lớn rất khó khăn.

Phân tích chi tiết các thị trường, bà Bùi Thị Thanh Tâm cho biết, hàng năm Trung Quốc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch rất lớn. Nhưng năm nay, chính sách nhập khẩu của thị trường này có thay đổi lớn so với mọi năm về quota, đồng thời có sự chuyển hướng sang Campuchia, Thái Lan… 

Nhóm thứ hai là Indonesia, Philippines, Malaysia đã xuất hiện nhu cầu nhập khẩu nhưng không được như kỳ vọng. Trong khi đó, thị trường của Việt Nam thì chủ yếu tập trung cho các nước này do gạo Việt Nam phù hợp. Còn thị trường châu Phi lại xuất hiện nhiều rủi ro trong thanh toán.

Đây là thị trường có nhu cầu đa dạng về các loại gạo nhưng Thái Lan đáp ứng thị trường này tốt hơn bởi loại gạo nào Thái Lan cũng đáp ứng được, từ cấp thấp đến cao cấp.

Bên cạnh đó, cước phí từ Thái Lan sang châu Phi cũng cạnh tranh hơn so với từ Việt Nam. Về thị trường xuất khẩu gạo cấp cao, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam cho biết, từ cuối năm 2013 thì không xuất khẩu được gạo sang Nhật Bản nữa. Khối lượng xuất khẩu gạo sang Mỹ, EU ngày càng giảm.

Một trong những vấn đề nổi cộm để gạo Việt Nam tiếp cận thị trường gạo cấp cao là an toàn vệ sinh thực phẩm. Về tình xuất khẩu thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, rào cản kỹ thuật khiến tôm Việt Nam chưa sang được thị trường Australia.

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra gần đây sang EU tăng giảm thất thường, tác động tiêu cực đến tình hình xuất khẩu cá tra nói chung. Nguyên nhân là do thông tin nguồn cung không đầy đủ gây khó khăn cho xuất khẩu.

Do đó, ông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhanh chóng có cơ sở dữ liệu hoặc có thống kê tương đối cập nhập, kịp thời về sản lượng cá tra thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long.

“Điều này quyết định việc xuất khẩu, đồng thời là cơ sở để các nhà nhập khẩu biết được tình hình của mình để tiêu thụ tốt hơn. Trên cơ sở cân đối cung cầu thì mới có kết quả xuất khẩu tốt”, ông Trương Đình Hòe nói. Theo Ban chỉ đạo Thị trường Nông nghiệp, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất đặc biệt với tôm và lúa nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, cần phải tập trung xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và tới cuối tháng 11/2016 phải xây dựng xong tiêu chuẩn gạo Việt Nam, đồng thời thi logo gạo Việt Nam vào đầu năm 2017.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, các đơn vị phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nhất là đầu ra cho mặt hàng gạo tại các thị trường truyền thống và châu Phi. Tiếp tục tháo gỡ rào cản kỹ thuật theo hướng chủ động, đặc biệt với một số mặt hàng chủ lực như gạo, thủy sản./. 

>>> Xuất khẩu thủy sản lại "căng như dây đàn"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục