Tìm giải pháp gỡ vướng cho cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

15:15' - 03/07/2024
BNEWS Theo thiết kế, đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có cắt ngang tuyến đường vận hành của Nhà máy điện gió Trung Nam, làm ảnh hưởng đến công tác vận hành, bảo trì 2 tuabin gió số T38 và T42 của nhà máy.
Sáng 3/7, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận đã khẩn trương tổ chức họp với Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) và đơn vị thi công dự án đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là Công ty cổ phần Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 cùng Công ty cổ phần điện gió Trung Nam nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hoàn trả tuyến đường vận hành cho Nhà máy điện gió Trung Nam tại huyện Thuận Bắc bị đoạn cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo cắt ngang trong nhiều tháng qua, gây nhiều thiệt hại đến hoạt động của nhà máy.

 

Ông Vũ Văn Nhuận, Giám đốc Công ty cổ phần điện gió Trung Nam cho biết, thực hiện chủ trương của nhà nước về việc đầu tư xây dựng đoạn đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, phạm vi qua địa bàn xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, công ty đã nhanh chóng phối hợp với UBND huyện Thuận Bắc bàn giao trên 472 m2 đất thuộc diện tích đất đang sử dụng tuyến đường vận hành của nhà máy (đoạn giao cắt tại Km 72+434, lý trình đường cao tốc) để thực hiện thi công dự án cao tốc Bắc - Nam theo Quyết định thu hồi đất số 1335/QĐ-UBND của UBND huyện Thuận Bắc ngày 31/8/2020.

Theo thiết kế, đoạn cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có cắt ngang tuyến đường vận hành của Nhà máy điện gió Trung Nam, làm ảnh hưởng đến công tác vận hành, bảo trì 2 tuabin gió số T38 và T42 của nhà máy.

Khi dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc phạm vi địa bàn xã Lợi Hải hoàn thành và được nghiệm thu vận hành thông xe ngày 30/4/2024 thì 2 tuabin số T38 và T42 bị chia cắt hoàn toàn, không có đường vào, không thể tiếp cận để vận hành, gây thiệt hại lớn cho nhà máy. Đặc biệt trong trường hợp nếu có sự cố xảy ra cháy nổ, hư hỏng… sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho nhà máy cũng như vấn đề đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Ông Vũ Văn Nhuận chia sẻ, ngày 29/5/2020, các bên đã thống nhất giải pháp hoàn trả tuyến đường vận hành cho nhà máy từ đường đầu cầu vượt của hai xã Lợi Hải và Phước Kháng (Km 72+193) đến các vị trí tuabin số T38 và T42 có quy mô tương đương tuyến đường vận hành của Nhà máy điện gió Trung Nam đã thiết kế và thi công trước đó.

Tuy nhiên, đã trải qua gần 4 năm, kể từ ngày bàn giao đất thi công đường cao tốc đến nay, Công ty cổ phần điện gió Trung Nam chưa nhận được bất kỳ thông tin cũng như kế hoạch chính thức nào về việc hoàn trả lại tuyến đường vận hành cho nhà máy.

Đáng nói hơn, đến thời điểm này, nhất là từ khi đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành, được nghiệm thu và vận hành thông xe, Ban Quản lý dự án 85 và đơn vị thi công dự án vẫn chưa có động thái tích cực để thi công, hoàn trả tuyến đường vào vị trí tuabin số T38 và T42 để thuận tiện cho việc vận hành của nhà máy.

Hệ lụy là công ty gặp rất nhiều khó khăn và phải gánh chịu thiệt hại về kinh tế vì không vận chuyển được thiết bị, công cụ, dụng cụ vào kịp thời để thực hiện bảo trì cho 2 tuabin bị cô lập. Để giải quyết vấn đề trên, Công ty cổ phần điện gió Trung Nam đã gửi các văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án 85 và các đơn vị liên quan.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải), vừa qua toàn bộ hồ sơ thiết kế tuyến đường hoàn trả cho Nhà máy điện gió Trung Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 190/QĐ-BGTVT ngày 18/1/2024 và Quyết định số 911/QĐ-BQLDA85 ngày 29/3/2024. Ban Quản lý dự án 85 đã bàn giao hồ sơ, ranh giải phóng mặt bằng cho UBND huyện Thuận Bắc vào tháng 01/2024. Tuy nhiên, chắc do vướng phải công tác giải phóng mặt bằng nên đến giờ này việc thi công bị chậm trễ.

Ông Trần Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho hay, về giải phóng mặt bằng, sau khi có hồ sơ thẩm định của Sở Tài Nguyên và Môi Trường, UBND huyện sẽ ban hành quyết định thu hồi đất, tiến hành áp giá đất cụ thể để bồi thường cho người dân có đất bị thu hồi. Theo tiến độ, khoảng đến ngày 30/8 tới, huyện sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để triển khai làm hai tuyến đường vào 2 tuabin điện gió đang bị cô lập.

Để giải quyết vướng mắc trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền đề nghị UBND huyện Thuận Bắc khẩn trương hoàn tất các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ cho 8 hộ dân bị thu hồi đất. Chậm nhất cuối tháng 8/2024 phải bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công thực hiện dự án hoàn trả đường vận hành cho Công ty cổ phần điện gió Trung Nam.

Ông Lê Huyền cũng nêu rõ, UBND tỉnh sẽ ban hành văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Ban quản lý dự án 85 hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục thỏa thuận đấu nối giao cắt với đường cao tốc Bắc -  Nam để thuận tiện cho việc triển khai thi công, hoàn trả lại tuyến đường vận hành của nhà máy trong thời gian sớm nhất, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị nhà máy trong mùa mưa bão sắp tới cũng như tránh thiệt hại về kinh tế và ổn định sản xuất của doanh nghiệp nói chung.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục